Là một đô thị đông dân nhất nước, TPHCM luôn phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi các cấp chính quyền phải giải quyết kịp thời cho người dân. Với yêu cầu đó, thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND TPHCM từng bước nâng chất. Không chỉ tổ chức theo luật định (trước và sau kỳ họp Quốc hội, HĐND TP), hoạt động tiếp xúc cử tri đã diễn ra dưới nhiều hình thức khác, tạo sự tương tác nhiều hơn giữa các cơ quan: chính quyền - dân cử và cử tri.
Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì tần suất tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu HĐND TP tại đơn vị mình ứng cử cũng như tiếp xúc cử tri theo yêu cầu nhiều hơn nên phần nào kịp thời giải quyết được các bức xúc của dân.
“Xộc” vào điểm nóng
Cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với vai trò là ĐBQH, đã cùng đoàn ĐBQH TPHCM có buổi làm việc với các cấp chính quyền, cơ quan hữu quan của TP về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Các bên liên quan lần lượt phân tích, mổ xẻ các vụ khiếu nại, tố cáo trọng điểm; trong đó có vụ khiếu kiện tập thể liên quan đến giá bồi thường, giải tỏa tại chung cư Cô Giang (quận 1).
Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, nêu: Đến thời điểm này đã có 533/750 hộ di dời, số hộ còn lại đòi tăng giá bồi thường và so bì suất tái định cư tối thiểu. Cụ thể, các căn hộ cũ có nhiều diện tích khác nhau, có căn chỉ 12m². Do thiết kế mới không thể xây căn hộ 12m² nên các hộ này cũng được giải quyết suất tái định cư tối thiểu 30m², là sự hỗ trợ thêm của TP để người dân có điều kiện sống tốt hơn. Do vậy, các hộ có diện tích căn hộ cũ trên 30m² so bì khiếu nại đòi thêm quyền lợi. Về đơn giá bồi thường là do bên tư vấn của dự án đưa ra, sau khi khảo sát giá thị trường.
“Áp giá 25 triệu đồng/m² đối với dự án này là không thấp so với giá thị trường. Hộ nào muốn di dời đi nơi khác thì nhận tiền bồi thường, còn nếu muốn ở lại thì TP bố trí suất tái định cư tại chỗ khi dự án hoàn tất. Trong khi chờ dự án hoàn thành, bà con được nhận tiền hỗ trợ để thuê nơi tạm cư với mức 5 triệu đồng/hộ 4 người/tháng, nhà đông hơn được hưởng thêm 1.250.000 đồng/người nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ/tháng”, các cấp chính quyền cùng khẳng định.
Chủ tịch nước hỏi: “Chung cư hư hỏng nặng phải tháo dỡ là đúng. Nhưng nếu chính sách hợp lý như đã nói thì sao bà con lại khiếu nại hoài? Chính quyền đã đối thoại, giải thích cặn kẽ cho bà con biết chưa?”. Lúc này, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch lên tiếng: “Cuộc họp hôm nay tôi được cung cấp rõ thêm thông tin về các hình thức hỗ trợ từ phía chính quyền, chủ đầu tư. Tôi sẽ thông tin cho bà con cử tri hiểu”. Nhưng đồng thời, ông cũng nói lên tiếng nói từ sâu thẳm lòng dân: “Nhiều lần tiếp người dân bị giải tỏa tại dự án này, tôi hiểu nói bồi thường 25 triệu đồng/m² tưởng chừng nhiều nhưng số tiền này người dân không mua lại được một căn hộ chung cư mới ở nội đô TP. Bà con rời bỏ nơi ở cũ đâu chỉ là chuyện chỗ ở mà còn chuyện học hành của con cái họ, môi trường sinh kế…”, ĐBQH Trần Du Lịch tâm tư.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri với Chủ tịch nước ngày hôm sau, đại diện cử tri ở dự án chung cư Cô Giang phản ánh gay gắt về đơn giá bồi thường của dự án. Người dân yêu cầu, với tính chất dự án này, chủ đầu tư phải thỏa thuận giá bồi thường với dân đúng tinh thần Nghị quyết 34/2007/NQ-CP của Chính phủ, chứ không phải áp giá như cách làm hiện nay”.
Trước ý kiến này của cử tri, ĐB Trần Du Lịch rời bàn chủ tọa, cầm micro nói trước hội nghị: “Hôm nay tôi mới rõ thêm yêu cầu này của bà con cử tri. Ngay khi qua lễ (30-4 và 1-5), ngày 2-5, tôi sẽ tiếp 3 đại diện cử tri của dự án Cô Giang tại trụ sở Văn phòng đoàn ĐBQH TPHCM, để nghe bà con trình bày nguyện vọng của mình, cũng là để rõ thêm vấn đề, cung cấp thêm thông tin cho các cấp chính quyền, cơ quan hữu quan”. Qua lời hứa đầy trách nhiệm này, TS Trần Du Lịch nhận được tiếng vỗ tay lớn của cử tri.
Tăng cường tiếp xúc, tăng tính cầu nối
Tiếp xúc cử tri không chỉ để nói lên tiếng nói của người dân một cách kịp thời mà còn để người đại biểu trở thành cầu nối giúp chính quyền và nhân dân được gần nhau hơn, để cùng cảm thông, cùng chia sẻ vì sự phát triển chung. Không dừng ở đó, nhiều đại biểu dân cử, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và có cả lợi thế của mình, qua hoạt động tiếp xúc cử tri đã đeo bám và cùng với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, thiết thực cho dân.
ĐB HĐND TPHCM Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM (đơn vị bầu cử huyện Nhà Bè), cho biết ngoài việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ, mỗi tuần một lần, tổ đại biểu của ông thay phiên tiếp bà con tại UBND huyện. “Nếu bà con có nhu cầu đăng ký tiếp xúc với ĐB nhiều hơn, chúng tôi cũng thu xếp để gặp gỡ bà con. Gặp gỡ nhiều, nghe nhiều sẽ giải quyết được nhiều điều cho dân”, ĐB Lê Hồng Sơn nói.
Ở Nhà Bè, cử tri quan tâm nhiều đến dự án “treo”, ô nhiễm môi trường, đặc biệt bà con mong mỏi nhà nước đầu tư thêm trường học để giảm bớt khoảng cách học sinh đi học... Từ quá trình sâu sát, lắng nghe nguyện vọng của dân qua những lần tiếp xúc cử tri, tổ đã phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện, các ban ngành chức năng thực hiện nhiều việc làm mang lại kết quả thiết thực làm hài lòng cử tri.
Cụ thể như việc cung cấp nước sạch cho người dân Nhà Bè, trước đây chỉ đáp ứng được một phần thị trấn nhưng nay nước sạch đã phủ toàn bộ thị trấn và một số xã của huyện. Nhà Bè cũng là địa phương đầu tiên xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân trong KCX, KCN. Trong hơn 1 năm qua, 1 trường mầm non, 1 tiểu học, 1 trung học cơ sở được xây dựng mới trên địa bàn huyện, rút ngắn được khoảng cách đi học của các em học sinh. “Chúng tôi đã lên kế hoạch thời gian tới sẽ tổ chức tiếp xúc riêng từng đối tượng như công nhân, nông dân, giáo viên để có chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp, giúp người dân địa phương ổn định, nâng cao đời sống”, ĐB Lê Hồng Sơn cho biết.
Tuy nhiên, dù có một số bước tiến đáng kể như trên, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn còn nhiều hạn chế.
–––––––––
Bài 2: Tiếng nói người trong cuộc
VÂN ANH