Tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII
Ngày 15-1, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tới dự có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Trong báo cáo tổng kết, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “15 năm qua, nhận thức về văn hóa của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể được nâng cao, vai trò của văn hóa ngày càng thể hiện rõ và có tác động lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng và xây dựng con người”. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa” đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, xuất hiện nhiều điểm sáng văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng suy thoái về đạo đức xã hội có chiều hướng lan rộng với tính chất nghiêm trọng; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và khoảng cách giữa các tầng lớp nhân dân còn lớn. Công tác quản lý văn hóa ở các cấp còn yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, việc đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, gián đoạn, hiệu quả thấp…
Trình bày ý kiến tại hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đề xuất: “Cơ chế thị trường đang tác động đến người sáng tác khiến nảy sinh hiện tượng lệch chuẩn trong hoạt động văn học nghệ thuật. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải chấn hưng văn hóa từ trong môi trường nhà trường”. Chia sẻ quan điểm này, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết trong nhiều năm qua cùng với chương trình đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao của TP, đào tạo lực lượng văn nghệ sĩ kế cận ở trong và ngoài nước thì các chính sách đãi ngộ, chăm sóc đặc biệt các văn nghệ sĩ tiêu biểu có tài năng trong lĩnh vực VHNT luôn được đặc biệt chú trọng.
Các văn nghệ sĩ lão thành trên 70 tuổi được trợ cấp hàng tháng; văn nghệ sĩ thuộc diện giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, nghệ sĩ nhân dân, GS, PGS từ 60 tuổi trở lên được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe... Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều yếu tố mới phát sinh nên TPHCM kiến nghị ban hành nghị quyết mới lấy văn hóa dân tộc Việt Nam làm nền tảng, làm gốc để xây dựng và phát triển phục vụ lợi ích con người.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định, xây dựng và phát triển văn hóa luôn có mối liên quan mật thiết với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vấn đề cốt lõi của văn hóa mà Nghị quyết Trung ương 5 đã chỉ ra là tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò quản lý nhà nước cần được đề cao. Các hoạt động văn hóa cần hướng vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực và quan hệ con người. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đào tạo, phát triển, sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa phải được thực hiện đồng bộ, mang tính chiến lược lâu dài…
MAI AN