Trong Thông tư 17/2011/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được ban hành, đã tạo sự phấn khởi cho đông đảo nhân dân vùng nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuy nhiên, từ thực tiễn, đã xuất hiện dấu hiệu chạy theo thành tích, hình thức trong quá trình xây dựng và công nhận xã văn hóa ở nông thôn.
Ở ngoại thành, các ấp văn hóa được xây dựng hàng chục năm qua ít nhiều đã góp phần xây dựng lối sống văn hóa, vì lợi ích chung của cộng đồng. Những phòng đọc sách, sân chơi thiếu nhi, các CLB, đội nhóm văn nghệ, thể dục thể thao được thành lập ở nhiều ấp, xã, cũng góp phần không nhỏ nâng cao đời sống tinh thần của bà con vùng sâu vùng xa.
Thế nhưng, theo thời gian, ở nhiều địa phương nhen nhóm tình trạng lơ là công tác tuyên truyền, các thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động kém, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng chưa cao, còn tồn tại tình trạng mất an ninh trật tự, vấn nạn số đề, nhậu nhẹt bê tha, đá gà, cho vay nặng lãi… Tất cả những tồn tại ấy làm cho chất lượng văn hóa ở một số ấp, xã đi xuống rõ rệt, thậm chí có ấp văn hóa đã không giữ được chuẩn văn hóa.
Trong một số cuộc hội thảo, đánh giá sơ kết, tổng kết nội dung trên, một số đại biểu công tác trong ngành văn hóa đã thẳng thắn nhìn nhận có nhiều địa phương sau nhiều năm tích cực hoạt động để đạt danh hiệu, sau đó lại buông lỏng quản lý, để mất chuẩn văn hóa; không ít nơi thực hiện quy trình bình chọn các danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ, có biểu hiện hình thức, bình chọn chiếu lệ, chạy theo bệnh khoa trương hình thức… Thực trạng này khiến những người quan tâm đến việc xây dựng văn hóa ở xã nông thôn mới không khỏi lo lắng.
TPHCM đã và đang huy động nhiều ban ngành, đoàn thể và người dân tiếp tục thực hiện chương trình thí điểm nông thôn mới tại 6 xã, nhưng không vì thế mà các xã, ấp khác đứng ngoài hoặc chưa nhiệt tình hưởng ứng. Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất thiết công tác tuyên truyền văn hóa, định hướng tư tưởng, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục… phải được tổ chức thực hiện và nhân rộng trên các địa bàn vùng nông thôn, xây dựng ý thức văn hóa trong cộng đồng dân cư, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
Các cơ quan ban ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra, đốc thúc, chấn chỉnh những mặt tiêu cực, hạn chế để có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTVH-TT và nhà văn hóa xã - hệ thống thiết chế không thể thiếu trong quy trình xây dựng văn hóa ở nông thôn, để các thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí và hình thức.
| |
Thúy Bình