Trong đời sống cộng đồng hiện nay, để những món quà từ thiện được sử dụng đúng cách và có thể thay đổi cuộc đời của những trẻ em nghèo; những nhà hoạt động từ thiện, ngoài khả năng vật chất còn cần chuẩn bị cho mình rất nhiều kỹ năng.
Giúp trẻ niềm vui đến trường
Xã Châu Điền, huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh có nhiều em tuổi mẫu giáo phải ngồi học trong lớp học được lợp lá dừa trên nền đất từng là chuồng heo do người dân hiến tặng. Cách đó không xa, tại Trường Mẫu giáo Ninh Thới mỗi khi mùa mưa, phòng học luôn bị ngập nước do nền đất thấp lại nằm gần sông. Trường Tiểu học Châu Điền B không có nhà vệ sinh. Những đứa trẻ lớn hơn một chút ở Trường THCS Châu Điền phải học vi tính bằng cách… tưởng tượng. Điều kiện học tập khó khăn nên nhiều trẻ bỏ học giữa chừng không phải chuyện hiếm.
Hoạt động ngoại khóa ở Trà Vinh
Với phương châm hoạt động nhằm mang đến cho trẻ một tương lai tươi sáng thông qua con đường giáo dục, Partage Việt Nam - một tổ chức phi lợi nhuận, đã mang dự án “Bảo vệ trẻ em, hướng tới tương lai” đến huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Chương trình phối hợp chính quyền địa phương gây quỹ xây mới phòng học cho 2 trường mẫu giáo Ninh Thới và Thơm Rơm, thành lập thư viện thân thiện “Happy room” và trang bị máy vi tính cho Trường THCS Châu Điền, xây mới nhà vệ sinh cho Trường Tiểu học Châu Điền B... Trong mùa hè vừa qua, bên cạnh việc hỗ trợ cơ sở vật chất, dự án còn hướng đến việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, giúp trẻ nâng cao kiến thức và kỹ năng xã hội, điều mà những trẻ em vùng sâu, vùng xa luôn khó tiếp cận.
Với sự hỗ trợ của tình nguyện viên là sinh viên các trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân Văn TPHCM, Đại học Ngoại thương, Đại học Hoa Sen, Partage Việt Nam đã mang đến những hoạt động ngoại khóa bổ ích như trang trí thư viện, trồng cây xanh, làm mái che sân trường, sinh hoạt trại hè sáng tạo và tìm hiểu phòng chống các bệnh mùa hè thông qua các cuộc thi, trò chơi vận động… Những đứa trẻ ở đây không chỉ ham thích đến trường hơn trước mà còn dạn dĩ tham gia những trò chơi, tự tin phát biểu trước đám đông, điều mà trước đây các em vẫn còn e dè, nhút nhát. Một điểm đặc biệt trong phương thức từ thiện của tổ chức này là những chương trình tập huấn dành cho phụ huynh, giáo viên và cán bộ chuyên trách có liên quan đến trẻ. Kỷ luật tích cực, quyền trẻ em, tuyên truyền về các bệnh mùa hè, giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại… là những chủ đề của các buổi tập huấn.
Sức mạnh của niềm tin
“Trao cần câu hay con cá?” hiện vẫn đang là nỗi trăn trở của nhiều nhà hoạt động từ thiện. Gần đây nguyên tắc từ thiện empowering - tức giúp đỡ người khác nỗ lực tự thân vận động, được đánh giá cao khi trao cho họ cần câu, một nghề nghiệp, phương pháp vượt qua khủng hoảng, ứng phó với thiên tai là những điều mà mọi tổ chức xã hội luôn hướng tới.
Theo chị Chiêu Hoàng, đại diện Partage Việt Nam, bên cạnh hỗ trợ vật chất, việc xây dựng năng lực, mối quan tâm chia sẻ, khích lệ sẽ khơi dậy sức mạnh cho trẻ vượt qua các khó khăn trong cuộc sống”. Đôi khi một lời động viên “con sẽ làm được” còn có sức mạnh lớn hơn gấp nhiều lần số tiền các em được nhận. Trong quá trình thực hiện dự án hỗ trợ trẻ, chị Hoàng nhớ mãi bạn Thanh Bình. Từ bé, Bình đã cận thị nặng. Thiếu điều kiện chăm sóc, thị lực giảm rất nhanh đến mức cậu bé không thể nhìn rõ mặt chữ. Câu nói: “Chắc con không thi nổi tốt nghiệp quá cô Hoàng ơi!” của Bình đã ám ảnh chị. Thanh Bình chia sẻ: “Cô Hoàng động viên em ráng thi đậu tốt nghiệp phổ thông rồi sẽ mổ mắt”. Như lời đã hứa, sau khi Bình vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, chị Hoàng đã vận động được nguồn kinh phí để giúp Bình thoát bỏ màn sương mờ ảo. Bẵng đi một thời gian không gặp, chị Hoàng liên lạc lại với Bình thì được biết em đang làm phụ hồ để trang trải chi phí cho gia đình. Một lần nữa chị lại động viên Bình tiếp tục con đường học tập bằng việc ôn thi đại học và lời động viên ấy đã cổ vũ tinh thần cậu bé. Bình thi đậu Khoa Sư phạm mỹ thuật của Trường Đại học Sài Gòn. Chương trình học bổng đại học giúp Bình cơ hội tiếp cận giảng đường với ước mơ trở thành thầy giáo. Trong thời gian học, chị Hoàng vẫn tiếp tục dõi theo từng bước đi của Bình, giới thiệu cho em công việc làm thêm để trang trải chi phí… Giờ đây, Bình đã là một giáo viên và câu chuyện của Bình đã trở thành nguồn cảm hứng cho nghị lực vượt qua mọi nghịch cảnh. Thầy Thanh Bình chia sẻ: “Tôi học được một bài học rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không được lùi bước, vì tương lai phía trước thực sự rất gần, chỉ cần cố thêm một bước chân nữa thôi là có thể đến đích”.
Và còn có rất nhiều cô bé, cậu bé như Bình, từng vượt qua gian khó bằng những hỗ trợ không chỉ về vật chất mà còn là những điểm tựa về tinh thần, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn.
NHƯ Ý