Hội chợ thế giới Expo 2015 (Expo 2015) đã khai mạc vào ngày 1-5 tại Milan, Italia sẽ kéo dài 6 tháng. Năm nay, chủ đề của hội chợ là “Nuôi dưỡng hành tinh, năng lượng vì cuộc sống” cho thấy vấn đề lương thực và năng lượng ngày càng trở nên cấp bách khi dân số đang tăng nhanh trên hành tinh này.
“Nóng” chủ đề lương thực, năng lượng
Hội chợ thế giới Expo lần đầu tiên diễn ra ở London vào năm 1851, đến nay đã trải qua 51 lần. Hội chợ năm nay tập trung giới thiệu các nguồn lương thực, năng lượng, khoa học và công nghệ, môi trường mới của 140 quốc gia. Dự kiến, hơn 20 triệu người sẽ tham quan hội chợ năm nay.
Theo các quan chức Italia, thực phẩm, nông nghiệp, dinh dưỡng lành mạnh, dinh dưỡng an toàn là những vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm nhất. Đây cũng là những vấn đề rất quan trọng đối với tất cả các nước trên thế giới khi mà nguồn lương thực nuôi sống 9,5 tỷ người trên hành tinh này vào năm 2050 trở nên eo hẹp hơn.
Khu vực triển lãm sản phẩm của Italia tại Expo 2015.
Ngoài gian hàng của các quốc gia, Expo 2015 sẽ dành không gian triển lãm theo cụm dành riêng cho những chủ đề cụ thể, bao gồm ca cao, chocolate, cà phê, gạo, gia vị, hải sản. Expo 2015 còn có 1.300 sự kiện văn hóa đặc biệt, bao gồm nhạc kịch, hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật và các sự kiện ẩm thực phục vụ du khách. Các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc có những gian hàng rộng lớn.
Theo Sputnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bức điện gửi các thành viên và khách mời của Expo 2015 cho rằng thành tựu phát triển bền vững ở tất cả các khu vực trên thế giới phải là trọng tâm chính trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Riêng với Mỹ, gian hàng của nước này rộng hơn 3.200m2 với 42 loại cây trồng và ngũ cốc phổ biến toàn cầu và mang đặc trưng châu Mỹ. Gian hàng Trung Quốc tập trung vào những nỗ lực giải quyết vấn đề lương thực để nuôi sống hơn 1,3 tỷ người ở nước này với nền văn minh nông nghiệp lâu đời.
Giảm lãng phí thực phẩm
Trong khi rất nhiều khu vực trên thế giới người dân đang bị đói hoặc suy dinh dưỡng trầm trọng thì tình trạng hoang phí thực phẩm trên toàn cầu đang ở mức báo động. Theo báo Los Angeles Times, 40% thực phẩm ở Mỹ bị bỏ phí tương đương với 165 tỷ USD/năm. Theo các chuyên gia, thực phẩm ở Mỹ bỏ đi mỗi ngày có thể nuôi được khoảng 92.000 người. Trên toàn cầu, ít nhất 1/3 thực phẩm bị bỏ phí thông qua những chuỗi cung cấp. Theo các nhà khoa học, nếu tình trạng lãng phí này tiếp tục duy trì, thế giới phải tăng thêm 70% sản lượng thực phẩm vào năm 2050, kéo theo nhiều hệ lụy khác như làm tăng thêm lượng nước tưới tiêu, làm bạc màu đất đai, phá rừng khai hoang, gia tăng sử dụng các loại thuốc diệt công trùng…
Riêng việc đốt rừng khai hoang làm tăng lượng khí thải CO2, trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. Có 13% lượng khí thải CO2 năm 2010 của thế giới là từ các hoạt động nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, sử dụng máy kéo, sản xuất và sử dụng phân bón nitơ. Nếu tính luôn tình trạng chuyển đổi đất đai, nông nghiệp chiếm tới 24% khí phát thải nhà kính toàn cầu, sử dụng 37% mặt đất của Trái đất, chiếm 70% lượng nước sử dụng trên toàn thế giới.
Trong lĩnh vực năng lượng, theo Liên hiệp quốc, giảm năng lượng tiêu hao lãng phí trên thế giới là bước đầu tiên và tốt nhất trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính rằng nếu tăng thêm hiệu quả sử dụng năng lượng thì sẽ giảm được gần 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Kim đã có cam kết đưa thế giới tăng gấp đôi tỷ lệ hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn cầu vào năm 2030. Mục tiêu gồm giảm năng lượng tiêu hao ở các tòa nhà, thiết bị chiếu sáng, năng lượng trong lĩnh vực giao thông và công nghiệp.
THỤY VŨ (tổng hợp)