Nhật Bản vốn nổi tiếng thế giới về tinh thần lao động nghiêm túc. Đây là một trong các yếu tố đưa Nhật Bản trở thành cường quốc sau Thế chiến thứ hai.
Thế nhưng, điều làm thế giới ngạc nhiên chính là từ báo cáo của Ủy ban điều tra Quốc hội Nhật Bản về sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong trận động đất gây sóng thần tháng 3-2011. Cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, thẩm vấn 1.176 người với tổng cộng hơn 900 giờ. Kết quả điều tra dài 641 trang, công bố ngày 5-7, cho thấy sự cố tại tổ máy số 1 của nhà máy này do lỗi của con người chứ không phải thiên tai.
Cụ thể, theo ủy ban điều tra, Cơ quan an toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) cùng với Công ty điện lực Tokyo (Tepco) đã lơ là trong việc nâng cấp độ an toàn của tổ máy này trước ngày 11-3-2011, ngày xảy ra thảm họa động đất sóng thần.
Nhật báo Japan Times trích dẫn báo cáo viết: “Thảm họa Fukushima là kết quả của những sai lầm giữa chính phủ, các nhà điều hành và Tepco. Hệ thống các quy định, tổ chức đã tiếp tay cho những quyết định và hành động sai lầm chứ không phải sai lầm của cá nhân cụ thể nào. Chúng tôi kết luận rõ ràng rằng tai nạn là do lỗi ở con người”.
Cũng theo kết luận của ủy ban điều tra, năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã đổi mới các tiêu chuẩn để đối phó với động đất và yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm giám sát các nhà máy do họ quản lý. Lẽ ra Tepco phải nâng cấp các biện pháp đối phó với động đất tại nhà máy Fukushima theo tiêu chuẩn mới nhưng họ đã không làm và NISA cũng không kiểm tra. Riêng với chính phủ Nhật Bản, ủy ban điều tra cho rằng hệ thống điều hành của chính phủ trong tình huống khủng hoảng kém hiệu quả, không ngăn chặn được sự leo thang của cuộc khủng hoảng. Bản báo cáo kết quả điều tra cho rằng, các quan chức cấp cao, kể cả Thủ tướng lúc bấy giờ là Naoto Kan đã can thiệp quá sâu vào giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng và làm gia tăng thêm rắc rối tại nhà máy Fukushima. Do sự cố này, hơn 150.000 người phải sơ tán, hủy hoại nghiêm trọng đất trồng, không khí và nguồn nước, dẫn đến thiệt hại to lớn về sức khỏe con người và nền kinh tế Nhật Bản.
Bản kết luận của Ủy ban điều tra Quốc hội Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản vừa phải khởi động trở lại lò phản ứng số 1 nhà máy điện hạt nhân Oi tại tỉnh Fukui. Do đồng loạt dừng tất cả các lò phản ứng điện hạt nhân trên cả nước sau sự cố Fukushima nên Nhật Bản phải chịu đựng cảnh thiếu điện trầm trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng nhà máy Oi cũng có nguy cơ bị tai nạn khi hoạt động trở lại. Như vậy, vấn đề an toàn hạt nhân giờ đây đang trở thành sức ép với các cơ quan quản lý và điều hành của Nhật Bản, đứng đầu là chính phủ Nhật Bản, họ không được phép có thêm sai lầm nào.
Ai có thể ngờ rằng một đất nước có tinh thần kỷ luật cao, có nền khoa học tiên tiến thuộc loại hàng đầu thế giới như Nhật Bản vẫn có thể để xảy ra lỗi lầm chủ quan tại nhà máy điện hạt nhân. Điều này như một hồi chuông cảnh báo về an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân, nhất là ở những nước có cơ chế quản lý còn rườm rà, chồng chéo và lỏng lẻo.
THỤY VŨ