Hỏi - Đáp

Hồ sơ giải quyết tố cáo bao gồm những tài liệu gì? So với hồ sơ giải quyết khiếu nại có gì khác nhau?

Hồ sơ giải quyết tố cáo bao gồm những tài liệu gì? So với hồ sơ giải quyết khiếu nại có gì khác nhau? (Phạm Đức Thịnh, quận 5, TPHCM)

Ông Trần Đình Trữ, Trưởng phòng Pháp chế tổng hợp, Thanh tra TPHCM, trả lời: Cũng như giải quyết khiếu nại, kết thúc việc giải quyết tố cáo (TC), các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải lập hồ sơ giải quyết vụ việc TC. Điều 73 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định:

– Việc giải quyết TC phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết TC bao gồm:

+ Đơn TC hoặc bản ghi lời TC;

+ Biên bản xác minh, kết quả giám định, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết;

+ Văn bản giải trình của người bị TC;

+ Kết luận về nội dung TC, văn bản kiến nghị biện pháp xử lý;

+ Quyết định xử lý;

+ Các tài liệu khác có liên quan.

– Hồ sơ giải quyết TC phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu giữ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu thì hồ sơ được chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Như vậy, giữa hồ sơ giải quyết TC và hồ sơ giải quyết khiếu nại có điểm khác nhau cơ bản là: Trong hồ sơ giải quyết TC có kết luận về nội dung TC, văn bản kiến nghị biện pháp xử lý, quyết định xử lý. Còn trong hồ sơ giải quyết khiếu nại có: kết luận về nội dung khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khi đã có đủ hồ sơ để kết luận nội dung sự việc, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại bằng việc ra quyết định giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; quyết định việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có).

Còn trong TC, người có thẩm quyền giải quyết TC phải có kết luận về nội dung TC để khẳng định người bị TC có hành vi vi phạm pháp luật hay không. Trường hợp người bị TC có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ, phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

H.HOA ghi

Tin cùng chuyên mục