Hỏi: Việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của người khiếu nại, tố cáo được quy định như thế nào?(Bùi Văn Sử, quận 4, TPHCM)
Bà Bùi Thị Tuyết Hương, Phó phòng Pháp chế tổng hợp Thanh tra TPHCM trả lời:
Việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của người khiếu nại, tố cáo được quy định tại Điều 100 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Điều 64 Nghị định 136/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-11-2006 như sau:
* Điều 100 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 quy định:
Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
- Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật.
- Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Tố cáo sai sự thật.
- Đe dọa, trả thù, xúc phạm người khiếu nại, tố cáo, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
* Điều 64 Nghị định 136/NĐ-CP:
Người nào có các hành vi quy định tại Điều 100 của Luật Khiếu nại, tố cáo, nếu chưa đến mức độ phạm tội thì bị cảnh cáo hoặc phạt tiền hay bị xử lý bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Người tiếp công dân, người giải quyết khiếu nại, tố cáo có quyền lập biên bản, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại tố cáo. Chủ tịch UBND và cơ quan công an địa phương căn cứ vào biên bản và yêu cầu của người tiếp công dân, người giải quyết khiếu nại, tố cáo phải xử lý theo thẩm quyền và thông báo kết quả xử lý cho người có yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
H.HOA ghi