(SGGPO).- Sáng nay, 22-3, Quốc hội đã tiến hành thảo luận nội dung sửa đổi, bổ sung bộ luật Tố tụng dân sự. Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày trước Quốc hội Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo đó, nhiều nội dung quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, chỉ khi xét thấy cần thiết, kiểm sát viên mới tham gia phiên tòa. Các tiêu chí để xác định sự “cần thiết” được giao cho Viện Kiểm sát Nhân dân hướng dẫn. Về thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời, tiếp tục thực hiện như Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự, Ủy ban Tư pháp cho rằng, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy có một số quan hệ pháp luật đặc thù như yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự; mất tích, đã chết hoặc trong trường hợp các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, thuê tài sản... thì không thể quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự như các quan hệ pháp luật khác. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo trình Quốc hội lần này bổ sung quy định loại trừ về thời hiệu đối với các quan hệ pháp luật đặc thù nêu trên.
Về cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao được xem xét lại quyết định của mình khi có sai lầm nghiêm trọng. Đồng thời quy định rõ các chủ thể có quyền yêu cầu, kiến nghị để Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao xem xét lại quyết định, gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Toà án Nhân dân tối cao. Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao quyết định này phải được ít nhất ¾ tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.
Để đảm bảo tính chủ động của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có thể quyết định ngay về vụ việc hoặc giao cho Tòa án Nhân dân các cấp có thẩm quyền xét xử lại.
Phát biểu về dự Luật, đại biểu Nguyễn Duy Hòa (Thanh Hóa) lại cho rằng, nên quy định đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tham gia tất cả các phiên tòa.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) có cùng quan điểm này. Ông phân tích: “Việc xét xử án dân sự hết sức phức tạp, rất dễ nảy sinh tiêu cực, do đó việc tham gia của đại diện Viện Kiểm sát tại tất cả các phiên xét xử là cần thiết, không nên quy định theo kiểu có thể tham gia hoặc không”. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tán thành quy định Tòa án được quyền tuyên hủy quyết định trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức, nhưng yêu cầu nêu cụ thể Tòa án cấp nào được quyền tuyên hủy quyết định của cấp nào.
Với kinh nghiệm hoạt động luật sư, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) nói: “Trong xét sử án dân sự, cần tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt của các bên đương sự. Chỉ khi việc xét xử có ảnh hưởng đến tài sản công thì lúc ấy VKS (đại diện cho quyền lợi nhà nước) mới phát biểu về nội dung giải quyết vụ án”.
ANH PHƯƠNG
>> Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII: Nhiệm vụ cấp bách là kiềm chế lạm phát