Theo ông Han Tae-song, “các biện pháp tự vệ” gần đây của Triều Tiên là một gói quà không tặng ai ngoài Mỹ. Đằng sau những tuyên bố cứng rắn và các lần phóng tên lửa, thử hạt nhân, Triều Tiên thật sự muốn gì?
Theo New York Times, rất khó có lời giải chính xác cho câu hỏi này. Trong số tài liệu từng được cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ, có hồ sơ cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Tổng cục Do thám Triều Tiên (cơ quan có chức năng như Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ). Kết quả thu được chỉ là một số các hoạt động chứ không hề biết mục đích thực sự là gì. Jon Wolfsthal, một chuyên gia về chương trình chính sách hạt nhân của trung tâm Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế khẳng định bất cứ ai nói rằng họ biết đích xác Triều Tiên muốn gì thì đó là nói dối hoặc chỉ là phỏng đoán.
Có người cho rằng Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân là để tăng cường phòng vệ trước ý đồ lật đổ của Mỹ và đồng minh. Lập luận này được cho là khá thuyết phục. Trong các tuyên bố được đưa ra, Bình Nhưỡng luôn nói rõ nước này muốn được cộng đồng quốc tế chấp nhận là một thành viên với đầy đủ tư cách, được phát triển kinh tế song song với chương trình hạt nhân. Đồng thời, luôn theo đuổi mục tiêu dài hạn là thống nhất với Hàn Quốc (trên các điều kiện được Bình Nhưỡng đặt ra). Triều Tiên chắc chắn sẽ không bao giờ quên bài học của Libya, sau khi từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lại những lời hứa về hội nhập kinh tế của phương Tây, nhà lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi đã bị Mỹ, phương Tây và các đồng minh Arab lật đổ.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến phản bác rằng nếu chỉ để phòng vệ, tại sao tên lửa của Triều Tiên lại nhắm đến các mục tiêu nằm trên lãnh thổ của Mỹ? Phải chăng Bình Nhưỡng muốn gây sức ép lên Mỹ, buộc Washington phải chiều theo những yêu cầu của nước này, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và rút quân khỏi Hàn Quốc.
Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin, Hàn Quốc thì đưa ra một giả thuyết rằng các hành động của Triều Tiên chính là nhằm để chia rẽ quan hệ đồng minh giữa Mỹ với 2 nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa hạt nhân, Mỹ không có bất cứ một hành động cụ thể nào đáp trả ngoài những tuyên bố đe dọa. Điều này sẽ khiến Nhật Bản và Hàn Quốc đặt câu hỏi: Liệu Mỹ có khả năng bảo vệ các nước này khi bị Triều Tiên tấn công? Và nếu được chọn lựa giữa bảo vệ San Francisco và Seoul, chắc chắn Mỹ sẽ chọn San Francisco.
Một giả thuyết nữa mà nhiều nhà quan sát cũng đề cập đến đó là khi phát triển vũ khí hạt nhân, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn có một sự tôn trọng từ những người đứng đầu của các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. Triều Tiên muốn mọi vấn đề phải được giải quyết công bằng.
Cùng với việc xác nhận thử hạt nhân thành công, ông Han Tae-song cảnh báo Mỹ sẽ nhận thêm nhiều “gói quà” nữa từ Triều Tiên. Mục đích thì chưa biết chính xác, nhưng chắc chắn một điều rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế đang hồi hộp chờ Bình Nhưỡng có gửi quà cho Washington khi mà Quốc khánh Triều Tiên (ngày 9-9 tới) đang đến gần.