Hội nghị An ninh Munich lần thứ 46 ngày 5-1 đã khai mạc tại thành phố cùng tên của Đức. Hội nghị lần này sẽ thảo luận 5 vấn đề chính gồm: an ninh năng lượng và an ninh vận tải; biến đổi khí hậu; không phổ biến hạt nhân và cắt giảm vũ khí hạt nhân; chiến lược mới của NATO và vấn đề Afghanistan.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc bất ngờ trở nên căng thẳng trong vài tuần qua. Bắc Kinh dọa sẽ không cộng tác với Washington trong các vấn đề “nóng” của thế giới như: chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên để trả đũa vụ Washington bán lô vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan, Tổng thống Barack Obama gặp Đạtlai Lạtma và gây sức ép thương mại với Bắc Kinh.
Theo Tân Hoa xã, phát biểu tại Bắc Kinh ngày 4-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết, tại hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ trình bày lập trường và quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề nóng trên thế giới, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Còn Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov, phản đối các nước láng giềng của Nga trang bị tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Ông lưu ý rằng, từ hai năm trước, Mátxcơva và Washington đã đề xuất toàn thế giới tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START). Tuy nhiên, chỉ có các nước không có kế hoạch theo đuổi các khí tài như vậy ký kết văn kiện này, trong khi những quốc gia sở hữu tên lửa tầm trung và tầm ngắn đã làm ngơ. Ông nhấn mạnh Nga đang hoàn thiện các vũ khí của mình và có đủ khả năng chống lại bất cứ cuộc tấn công nào.
Ngoài ra, Nga cũng đang lo ngại trước những động thái gần đây của Mỹ, theo đó họ xem xét thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở một số nước Đông Âu, triển khai nhiều tàu chiến trang bị tên lửa đánh chặn tại các nước vùng Vịnh với lý do là để ngăn chặn tên lửa của Iran.
V.Minh