Hội nghị APEC lần thứ 22: Thúc đẩy hội nhập kinh tế và khu vực

Hôm nay, 5-11, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Hội nghị APEC lần thứ 22: Thúc đẩy hội nhập kinh tế và khu vực

Hôm nay, 5-11, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trong bối cảnh có những lo ngại về sự phục hồi ì ạch của kinh tế toàn cầu, Hội nghị cấp cao APEC thường niên sẽ kéo dài đến 11-11 với chủ đề “Định hình tương lai thông qua hợp tác châu Á - Thái Bình Dương”, theo đó thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đẩy mạnh sáng tạo, cải cách và phát triển kinh tế...

Siết chặt an ninh và cải thiện môi trường

Đây là lần thứ hai Trung Quốc đăng cai hội nghị APEC. An ninh đã được siết chặt tại 4 khu vực là Quảng trường Thiên An Môn, Trung tâm Hội nghị quốc gia, sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh và Trung tâm báo chí APEC. Tại Bắc Kinh, Sở Công an thành phố Bắc Kinh (BMSB) đã thiết lập 22 chốt kiểm soát, 38 điểm có rào chắn tạm thời và 140 chốt khác tại các khu vực nông thôn, đồng thời tăng cường kiểm tra các phương tiện 24/24 giờ. Tại trung tâm thủ đô, hơn 160 đồn cảnh sát đã được trang bị thêm mũ bảo hiểm chống đạn, áo giáp, máy quét các thiết bị phát hiện chất nổ và robot gỡ bom mìn...

Lễ khánh thành khu rừng để bù đắp khí thải carbon của APEC ở Bắc Kinh.

Kể từ ngày 3-11, trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng quy định ô tô lưu thông theo biển chẵn lẻ. Cùng với đó là một loạt quy định mới như hạn chế xe công, tăng xe công cộng; hạn chế sản xuất của nhà máy; xử lý bụi tại công trình xây dựng… Theo các chuyên gia khí tượng, thời điểm này là giao mùa nên bụi khó khuếch tán, người dân vùng lân cận lại sử dụng than để sưởi ấm nên Bắc Kinh gặp áp lực lớn để làm sạch bầu không khí. Tuy nhiên, đến ngày 4-11, nhờ áp dụng một loại biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, lượng chất thải gây ô nhiễm tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và các khu vực láng giềng đã được cắt giảm 30% - 40%. Hơn 2.000 nhà máy và xưởng sản xuất tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cũng tạm đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất.

Kết nối và tăng trưởng kinh tế khu vực APEC

6 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới đã dần được hồi phục. Mặc dù các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá vẫn là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng theo Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) Sri Mulyani Indrawati, đà tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn và tồn tại nhiều thách thức hơn dự tính như giá hàng hoá giảm, dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, khủng hoảng Ukraine và bất ổn chính trị bắt nguồn từ sự trỗi dậy của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…

Còn theo chuyên gia kinh tế Matthew Goodman thuộc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế tại Washington, APEC lần này được hy vọng có thể sẽ đạt được nhiều kết quả nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực lớn hơn. Với chủ đề “Định hình Tương lai thông qua hợp tác châu Á - Thái Bình Dương”, Trung Quốc đã vạch ra một số lĩnh vực để APEC lần này tập trung vào thảo luận và giải quyết, bao gồm thương mại, hội nhập đầu tư, đổi mới, tăng trưởng toàn diện và kết nối. Theo ông Goodman, những nỗ lực này sẽ giúp phát triển kinh tế và kết nối khu vực. Về phát triển cơ sở hạ tầng, đề xuất thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc là rất dễ hiểu, bởi vì nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực là rất lớn và Trung Quốc có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tài chính trong khu vực...

Tuy nhiên, với vai trò là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần có các biện pháp cả riêng rẽ và tập thể để ứng phó với những thách thức này.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục