Hội nghị thường niên đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 25 diễn ra tại Manila, Philippines từ ngày 20 đến 25-5 thu hút sự chú ý của dư luận trong bối cảnh khu vực đang nóng lên do tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines quanh bãi đá cạn Scarborough.
Philippines - Trung Quốc tiếp tục đàm phán
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines, hội nghị lần này sẽ tổng kết tiến trình hợp tác giữa Mỹ và ASEAN cũng như trao đổi các quan điểm về phát triển quốc tế và khu vực. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thành lập Nhóm nhân sĩ Mỹ - ASEAN (EPG) và chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ tư giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ vào tháng 11-2012.
Hội nghị ASEAN - Mỹ lần này do Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính sách của Philippines, bà Erlinda F. Basilio và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Kurt Campbell đồng chủ trì.
Hiện vẫn chưa rõ Philippines có đưa vấn đề căng thẳng với Trung Quốc tại bãi đá cạn Scarborough ra hội nghị ASEAN - Mỹ hay không khi mà Philippines đang là điều phối viên đối thoại ASEAN - Mỹ từ năm 2009 đến năm 2012.
Trong khi đó, theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng tranh chấp tại bãi đá cạn Scarborough có thể sớm được giải quyết. Ông cho biết các cuộc thảo luận giữa hai bên đã diễn ra đúng hướng. “Còn quá sớm để nói rằng tình hình căng thẳng đã được giải tỏa nhưng ít nhất chúng tôi đang tiến về phía trước trong việc giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp ngoại giao”, Tổng thống Aquino nói.
Cũng theo báo này, Tổng thống Philippines cho biết Philippines có thể sẽ không đưa vấn đề ra tòa án quốc tế về Luật Biển.
Theo nhà nghiên cứu Ren Yuanzhe tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc đã thông báo với Mỹ tình hình tại bãi đá cạn Scarborough thông qua cuộc đối thoại thường niên về kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung diễn ra gần đây ở Bắc Kinh.
Manila chủ trương giải quyết tranh chấp tại bãi đá cạn Scarborough qua 3 kênh: ASEAN, Công ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS) và thông qua đàm phán ngoại giao với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối mọi cách giải quyết tranh chấp ngoại trừ thông qua đàm phán song phương.
Vai trò tích cực của ASEAN
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines hiện nay có thể giải quyết qua đường ngoại giao như tuyên bố của Tổng thống Philippines Aquino. Vậy ASEAN và Mỹ sẽ đóng vai trò gì trong cuộc tranh chấp này?
Theo các chuyên gia tại mạng Eurasiareview, ASEAN có thể đóng vai trò trung gian làm giảm nhiệt tình hình căng thẳng theo hướng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng. Mỹ cũng mong muốn hai bên tự giải quyết vấn đề và khẳng định Washington không can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Theo các chuyên gia, việc giải quyết tranh chấp tại Scarborough vẫn cần tới Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC). Tại hội nghị ASEAN-Mỹ lần này cũng như các hội nghị của ASEAN sắp tới, COC là chủ đề sẽ được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, việc ASEAN cùng Trung Quốc có thông qua được COC hay không sẽ tùy thuộc rất nhiều vào các bên, nhất là từ phía Trung Quốc.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Quốc phòng Philippines ngày 16-5 khẳng định tàu ngầm Mỹ cập cảng tại vịnh Subic là “hoạt động thường niên”, không liên quan gì đến vụ tranh chấp bãi đá cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Paul Galvez cho biết tàu USS North Carolina đã lên lịch đến Philippines từ ngày 3-4, một tuần trước khi bắt đầu xảy ra vụ tranh chấp, và sẽ rời cảng ngày 19-5.
Thụy Vũ tổng hợp