Ngày 5-11, tại Vientiane, Lào, sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao châu Á (ASEM) lần thứ 9. Theo hãng tin AFP, hội nghị lần này là cơ hội để các quốc gia châu Âu vận động sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước châu Á - khu vực tăng trưởng ổn định - trong thời kỳ khủng hoảng nợ công đang kéo các nền kinh tế của lục địa già xuống mức nguy hiểm.
Khi Âu cần Á
Trong số 50 nguyên thủ quốc gia tham dự ASEM 9 có Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Mario Monti. Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng sẽ tham dự hội nghị. Sự góp mặt của những nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu cho thấy chính sách đối ngoại mới của các quốc gia này đang dần hướng về châu Á. Hãng AFP nhận định, châu Âu đã nhận thức được châu Á là một trong những khu vực quan trọng nhất để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
ASEM 9 chính là một cầu nối giúp châu Âu tiến gần hơn đến châu Á trong thời kỳ khó khăn như hiện nay. Viện Nghiên cứu bạn hữu châu Âu đặt tại Brussels (Bỉ), cho rằng cả hai châu lục nhận ra sự cần thiết của hợp tác để cùng vượt qua khủng hoảng. Cũng theo AFP, nội dung chính của ASEM lần này sẽ là cách giải quyết khủng hoảng nợ công tại châu Âu và các biện pháp tăng cường hợp tác Á-Âu.
Bất chấp những nỗ lực của EU để vực dậy nền kinh tế suy yếu, những số liệu mới nhất cho thấy tình hình tiếp tục không khả quan. Số liệu thống kê của Eurostat cho biết, đến cuối quý 2-2012, nợ công của các nước eurozone đã lên đến mức cao kỷ lục 90% GDP. Con số này đã đẩy nợ công của toàn EU lên 84,9% GDP. Tổng số nợ công của eurozone hiện thời là 8.517 tỷ EUR, của toàn EU là 10.840 tỷ EUR.
Trong khi đó, số người thất nghiệp tại khu vực eurozone đã đạt mức kỷ lục trong tháng 9, chiếm tới 11,6% lực lượng lao động, mức cao nhất chưa từng có kể từ khi hình thành khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nạn thất nghiệp đặc biệt nghiêm trọng tại Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha.
Châu Á tuy vẫn giữ mức tăng trưởng khá ổn định nhưng nền kinh tế các nước này cũng bị ảnh hưởng từ sự suy yếu của kinh tế châu Âu. Đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Âu chiếm tỷ lệ lớn trong nhiều năm qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm tăng trưởng châu Á từ 7,2% xuống mức 6,7% trong năm nay.
Ưu tiên hàng đầu: Duy trì ổn định
Vào ngày 2-11, Hội nghị quan chức cấp cao ASEM (ASEM SOM) đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở thủ đô Vientiane dưới sự chủ tọa của ông Bounkeut Sangsomsak, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn quan chức cấp cao ASEM của Lào. Các đại biểu thảo luận nội dung hai văn kiện quan trọng của ASEM 9 là dự thảo Tuyên bố Vientiane về việc thắt chặt quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển, dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch ASEM 9.
Các đại biểu dự SOM ASEM cho rằng ASEM 9 diễn ra trong bối cảnh hai châu lục và thế giới đang gặp những thách thức cũng như thuận lợi đan xen, nhất là sự phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cộng thêm biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, xung đột tôn giáo… là những vấn đề không nhỏ.
Các nước tham dự ASEAM 9 cần tăng cường hợp tác, đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định tại hai châu lục, coi đó là những vấn đề ưu tiên tại hội nghị. Các đại biểu cũng đánh giá việc kết nạp thêm 3 thành viên mới là Bangladesh, Na Uy và Thụy Sỹ tại ASEM 9 khẳng định vị thế và tiềm năng hợp tác của ASEM ngày càng rộng mở, vững chắc.
Thanh Hằng (tổng hợp)