Ngày 9-10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Lima của Peru. Nội dung thảo luận lần này tập trung vào tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có nhiều biến động.
Thúc đẩy cải cách và hợp tác
Sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc - ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Những biến động trên thị trường chứng khoán, các đợt điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã gây ra những tác động không hề nhỏ đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế của các nước đang phát triển và mới nổi, trong đó có các nước Mỹ Latinh.
Một phiên thảo luận tại hội nghị G20
Phát biểu trong phiên khai mạc, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, cho rằng, bất chấp những nhiễu loạn, kinh tế thế giới đã trong giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, sức khỏe của kinh tế thế giới hiện nay chưa đủ mạnh để có thể đáp ứng nhu cầu việc làm của khoảng 200 triệu người trên toàn cầu. Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng là chủ đề được nhiều nước G20 quan tâm. Các nền kinh tế mới nổi cùng chia sẻ quan ngại rằng tình trạng rút vốn ồ ạt khỏi những thị trường này sẽ gây ra những tác động không nhỏ nếu mức lãi suất gần bằng 0% hiện nay của Mỹ được điều chỉnh tăng.
Trước khi tham dự Hội nghị G20, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Thống đốc các ngân hàng trung ương của 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có cuộc tiếp xúc 3 bên. Các nước đã cam kết tiếp tục cải thiện các kênh trao đổi thông tin, đồng thời tiến hành những chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả và kịp thời, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế của mỗi nước và khu vực đi đúng hướng. Ba nước cũng nhất trí tiếp tục cải thiện những cải cách mang tính cấu trúc nhằm đạt sự tăng trưởng bền vững, cân bằng.
Chống gian lận thuế quốc tế
Cũng tại hội nghị này, các đại biểu tham dự thảo luận và thông qua một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về quy trình áp dụng những quy định thuế quốc tế chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng các công ty đa quốc gia trốn thuế. Hãng Reuters dẫn nghiên cứu của 2 tổ chức phi lợi nhuận Công dân vì sự công bằng thuế (CTJ, trụ sở ở Mỹ) và Quỹ Giáo dục Tập đoàn Nghiên cứu lợi ích công của Mỹ (PIRG) cho biết, có tới 358/500 công ty có doanh thu cao nhất nước Mỹ vận hành chi nhánh tại các thiên đường thuế vào thời điểm cuối năm 2014. 500 công ty lớn nhất của Mỹ giữ hơn 2.100 tỷ USD lợi nhuận tích lũy qua nhiều năm ở nước ngoài để trốn thuế, nếu chuyển hết số tiền nói trên về Mỹ, các công ty sẽ bị đánh thuế khoảng 620 tỷ USD. Đáng chú ý là trong tổng số 2.100 tỷ USD mà các công ty trong danh sách Fortune 500 để ở nước ngoài, chỉ riêng 30 công ty đã chiếm tới 1.400 tỷ USD, tương đương 65%. Ngoài ra, 57 công ty tiết lộ rằng họ sẽ phải trả thêm 184,4 tỷ USD tiền thuế nếu chuyển hết lợi nhuận ở nước ngoài về Mỹ.
Trong số 15 biện pháp được OECD thống nhất đề xuất để ngăn chặn việc lậu thuế, có việc tập đoàn có doanh thu từ 750 triệu EUR/năm trở lên phải khai báo các hoạt động tại mỗi quốc gia, các thông tin sau đó sẽ được cơ quan thuế vụ các nước chia sẻ. Giám đốc OECD Pascal Saint-Aman cho rằng, hàng loạt biện pháp vừa được đề xuất này là lần sửa đổi lại hoàn toàn đầu tiên các chuẩn mực tài chính quốc tế kể từ một thế kỷ nay. Theo ông, các tập đoàn lớn của Mỹ chỉ nộp thuế với những khoản tiền hết sức ít ỏi so với kinh doanh thực của họ. Hoạt động tối ưu hóa tài chính của các tập đoàn đa quốc gia đang gây thiệt hại từ 100 - 240 tỷ USD/năm, tương đương với từ 4% - 10% nguồn thu từ thuế của toàn thế giới.
VIỆT ANH (tổng hợp)