Trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối quan ngại về một cuộc chiến thương mại sẽ bùng nổ do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương bảo hộ thương mại, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tới Đức để thảo luận về các biện pháp tháo ngòi nổ cuộc chiến trong hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra trong hai ngày 17 và 18-3.
Khó tìm được tiếng nói chung
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang có mặt tại Đức phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm mọi cách để bảo đảm quyền lợi công bằng cho người lao động Mỹ, song không mong muốn lâm vào cuộc chiến tranh thương mại với các cường quốc kinh tế khác. Ông Mnuchin nhấn mạnh: “Chiến tranh thương mại không phải là điều Mỹ mong muốn”.
Người dân Đức biểu tình bên ngoài hội nghị G20 phản đối các chính sách bảo hộ thương mại
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đánh giá cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp Mỹ là một sự khởi đầu tốt đẹp. Ông cho biết hai bên đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng trước thềm Hội nghị bộ trưởng tài chính G20, cam kết hợp tác, vượt qua mọi bất đồng vì mục đích chung là thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, ông thừa nhận Berlin và Washington không tìm được tiếng nói chung trong tất cả các vấn đề. Trước đó, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Peter Navarro đã chỉ trích Đức và Trung Quốc lợi dụng các đồng tiền trong nước giảm giá để tạo lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu và làm chênh lệch cán cân thương mại với Mỹ.
Tránh tự gây tổn thương
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước thềm hội nghị G20 cũng cảnh báo các chính sách hướng nội và các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt có thể đe dọa đến đà tăng trưởng. Trong bản theo dõi triển vọng và nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, IMF kêu gọi các nước thành viên G20 duy trì khung thương mại đa phương cởi mở cũng như hoàn tất các cải cách tài chính và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế.
Dưới áp lực từ tâm lý bảo hộ thương mại đang gia tăng tại các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, IMF cũng kêu gọi các nước G20 tăng cường hợp tác quốc tế để có thể duy trì những lợi ích của thương mại cũng như động lực tăng trưởng kinh tế, vốn đã giúp hàng triệu người dân trên thế giới thoát khỏi đói nghèo. Thể chế tài chính này đồng thời hối thúc G20 ngừng thực hiện các chính sách gây méo mó thương mại quốc tế và hoạt động đầu tư, tránh chủ nghĩa bảo hộ, và giảm thiểu sự mất cân bằng thương mại.
Trong thông điệp gửi đến Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên G20, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng nhận định nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, song khuyến cáo các nước cần có những chính sách hợp lý để tránh tự gây ra những tổn thương không đáng có.
Điều này đòi hỏi các nước loại bỏ những chính sách có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới thương mại, vấn đề di cư, lưu thông dòng vốn và việc chia sẻ công nghệ xuyên biên giới, bởi những biện pháp này sẽ đe dọa đến năng suất lao động, thu nhập và điều kiện sống của toàn bộ người dân. Để có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực đòi hỏi các nước trên thế giới có những chính sách kinh tế vĩ mô mang tính hỗ trợ, trong bối cảnh nhu cầu còn yếu và lạm phát chưa về mức mục tiêu tại các nền kinh tế phát triển.
Bà Christine Lagarde đồng thời hối thúc các nước cần có những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm việc đào tạo lao động tay nghề thấp, cũng như có những điều chỉnh hợp lý trong chính sách thu nhập và hệ thống thuế.
VIỆT ANH (tổng hợp)