Hôm nay, 4-9, tại London (Anh) diễn ra cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nước phát triển và đang nổi lên (G20) để đánh giá tình hình kinh tế thế giới, tác dụng của các gói kích cầu, việc đóng góp thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa nhằm đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng toàn diện.
Cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng ngày 4-9 là để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại Mỹ cuối tháng này. Trước thềm hội nghị, lãnh đạo các nước G20 đều nhất trí rằng, tình hình kinh tế thế giới hiện nay khá hơn nhiều so với thời điểm G20 họp hội nghị thượng đỉnh tháng 4-2009 và những chuyển biến tích cực này là kết quả của việc áp dụng các gói kích thích kinh tế đồng loạt ở các nước.
Tuy nhiên, nhóm này cho rằng, hiện vẫn là quá sớm để tuyên bố chiến thắng và cần tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế cũng như tăng cường các hình thức phối hợp chung, đặc biệt khi các nước quyết định giảm bớt các biện pháp, chủ yếu là rót tiền và hỗ trợ các ngân hàng, do thấy không còn cần thiết nữa. Chính phủ một loạt nước trên thế giới đã chi hàng ngàn tỷ USD trong các gói kích thích kinh tế. Song hiện nay đang nổi lên vấn đề là khi nào và làm thế nào để chấm dứt hình thức hỗ trợ này cho phù hợp.
Ngoài ra, cũng có những câu hỏi lớn về sự tăng trưởng trở lại đã bền vững chưa và ở quy mô ra sao. Các nền kinh tế có thể sẽ lại rơi vào suy thoái nếu chấm dứt các biện pháp kích thích quá sớm, song nếu duy trì quá lâu, sức ép lạm phát sẽ lại gia tăng. Tại cuộc họp ngày 4-9, các bộ trưởng G20 sẽ đánh giá tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới và hệ thống ngân hàng sau 2 năm bị khủng hoảng. Cuộc họp cũng sẽ thảo luận việc thúc đẩy một thỏa thuận để các nước có nền kinh tế đang nổi lên có tiếng nói lớn hơn ở IMF.
Trong khi đó, Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) gồm 30 nước có nền kinh tế phát triển, có trụ sở chính tại Paris đưa ra nhận định Mỹ và khu vực đồng tiền chung euro sẽ thoát khỏi suy thoái trong quý 3 năm nay. Theo dự đoán của OECD, tăng trưởng hàng quý của nền kinh tế Mỹ sẽ là 1,6% và của khu vực đồng tiền chung euro là 0,3%.
A.V. (Theo AFP)