Hội nghị hiệp thương lần 2: Thỏa thuận danh sách 183 ứng cử ĐBQH

(SGGP). – Ngày 22-3, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam (UBMTTQ) tiến hành Hội nghị hiệp thương lần 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những ứng cử ĐBQH khóa XIII. Danh sách 183 ứng cử viên ĐBQH do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu đã được đại hội thông qua để gửi đi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

(SGGP). – Ngày 22-3, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam (UBMTTQ) tiến hành Hội nghị hiệp thương lần 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những ứng cử ĐBQH khóa XIII. Danh sách 183 ứng cử viên ĐBQH do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu đã được đại hội thông qua để gửi đi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Theo đó, số đại biểu các cơ quan Trung ương bao gồm cơ quan Đảng 11 đại biểu; đại biểu chuyên trách ở cơ quan của QH là 100 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; Chính phủ 20 đại biểu; lực lượng vũ trang 16 đại biểu; khối cơ quan tư pháp 2 đại biểu; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 31 đại biểu.

Trong số 183 người kể trên thì 120 người được tín nhiệm 100% ở nơi công tác, 57 người được tín nhiệm trên 90%, 4 người được tín nhiệm từ 80% - 90%, 2 người được tín nhiệm 64% và 70%.

Tại hội nghị hiệp thương, một số vấn đề cũng được các thành viên MTTQ băn khoăn như thông tin về các ứng cử viên còn sơ sài, chưa có thống kê sơ bộ về tỷ lệ thành phần cơ cấu…

Thảo luận tại hội nghị, ông Lù Văn Que, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam, cho rằng nhìn sơ qua chỉ có 10/183 ứng cử viên là người ngoài Đảng, chiếm khoảng 5% trong khi cơ cấu đã được hiệp thương trước đó là 10% - 15%. Cũng tương tự, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chỉ có 15/183 ứng cử viên, chưa đạt tỷ lệ là 18%. Vì thế, theo ông Lù Văn Que, cần phải cân nhắc kỹ các thành phần trong việc giới thiệu ứng cử viên để tránh tình trạng cơ cấu bị phá vỡ ngay từ những vòng đầu tiên.
 
Về vấn đề số dư, đại biểu Lê Truyền, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam, cho rằng việc giới thiệu ứng cử viên lập danh sách sơ bộ không có số dư ngay từ đầu sẽ dẫn tới tình trạng nếu “mất” ai là “mất” luôn vì không còn nguồn thay thế. Để có số tròn cuối cùng, cần phải có số dư để lựa chọn, so sánh, cân nhắc cho đúng ý nghĩa của hiệp thương.

Ông Lê Truyền cho rằng, UBMTTQ TP Hà Nội và TPHCM sẽ có điều kiện và thời cơ để chọn được người tài với lý do 2 TP này đều có số dư cao.

Xoay quanh vấn đề cung cấp thông tin của các ứng cử viên để hội nghị hiệp thương, ông Lê Truyền cũng bày tỏ băn khoăn rằng, một trong những vấn đề nhân dân quan tâm tới các ứng viên là thông tin kê khai tài sản. Trong các bản kê có nhiều mục, nhiều phần khác nhau nhưng bản kê khai này lại không được công khai thì liệu có biết được họ làm trung thực hay không?

Chia sẻ vấn đề này, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm khẳng định những trường hợp có yêu cầu thì sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết lý lịch trích ngang, tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản. Về việc đề cử số dư, đây là mong muốn chính đáng từ nhiều năm qua, nhưng để làm được điều đó cần phải sửa đổi các quy định pháp lý. Khi đó, tỷ lệ số dư sẽ được quy định ngay từ khâu đầu tiên.

Sau hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có sự điều chỉnh lần thứ 2 về cơ cấu, thành phần, số lượng người được bầu và trên cơ sở kết quả hội nghị cử tri nơi cư trú, Đoàn Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 3 để lập danh sách chính thức những ứng cử ĐBQH khóa XIII.

V.XUÂN

Tin cùng chuyên mục