Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa 2014: Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa

Theo kế hoạch, ngày 31-10, tại Hội trường Thành phố sẽ diễn ra Hội nghị sơ kết Chương trình Hợp tác thương mại - Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2014. Đây là lần thứ 3 TPHCM tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa, với quy mô và số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia lớn nhất từ trước đến nay.
Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa 2014: Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa

Theo kế hoạch, ngày 31-10, tại Hội trường Thành phố sẽ diễn ra Hội nghị sơ kết Chương trình Hợp tác thương mại - Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2014. Đây là lần thứ 3 TPHCM tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa, với quy mô và số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia lớn nhất từ trước đến nay.

Doanh nghiệp đang giới thiệu sản phẩm với các đối tác trong và ngoài nước tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2012 tại TPHCM. Ảnh: Tường Dân

Giao dịch đạt hơn 9.000 tỷ đồng/năm

Nhằm thực hiện tốt các nội dung trong chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2015, tháng 12-2012, TPHCM đã tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa, nhằm hỗ trợ, tìm đầu ra cho các mặt hàng có thế mạnh của các tỉnh, thành vào các hệ thống phân phối tại TPHCM. Do lần đầu tiên tổ chức nên chương trình chỉ giới hạn với khoảng 100 DN đến từ 14 tỉnh, thành và 100 DN chủ lực của TPHCM thuộc nhiều thành phần như sản xuất, phân phối, các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, các ngân hàng… Ngay tại hội nghị này, đã có 43 thỏa thuận hợp tác, bao tiêu sản xuất giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối được ký kết.

Thành công bước đầu là tiền đề để Sở Công thương TPHCM tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối năm 2013. Hội nghị lần này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của 20 tỉnh, thành đã ký kết hợp tác thương mại với TPHCM, trong đó có cả một số tỉnh, thành phía Bắc. Gần 400 DN cũng đăng ký tham gia để giới thiệu các đặc sản vùng miền của từng địa phương. Kết quả kết nối đến hết năm 2013 đã có 425 hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm, với tổng trị giá giao dịch hàng hóa thông qua hợp đồng đã đạt hơn 9.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của Saigon Co.op, chất lượng các mặt hàng nông sản, đặc sản của các tỉnh, vùng, miền đều rất tốt, nhưng đáng tiếc do chưa được đầu tư đúng mức nên bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa được như ý muốn. Do vậy, việc ký kết sẽ thể hiện mạnh mẽ sự hợp tác của nhà phân phối với các nhà cung ứng sản phẩm. Để thực hiện thành công, những năm qua, đội ngũ thu mua hàng hóa của Saigon Co.op đã làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành cũng như các DN để bàn bạc, tư vấn cách thức sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn, chất lượng, bao bì đẹp và giá cả hợp lý. Với những cơ sở quá nhỏ, Saigon Co.op cũng đưa ra tiêu chuẩn, quy cách để hướng dẫn làm hàng nhãn riêng để đưa vào hệ thống Co.opMart.

Về phía nhà cung cấp, ông Phan Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, cũng cho rằng, ngay sau khi ký kết với các nhà phân phối, công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong việc sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, cách đóng gói nhãn hiệu, bao bì sao cho đẹp mắt. Nói cách khác, việc đưa các loại bột ngũ cốc vào các hệ thống siêu thị tại TPHCM cũng đồng nghĩa chất lượng sản phẩm của Bích Chi đã được thừa nhận. Đây là cơ sở để Bích Chi đẩy mạnh doanh số bán hàng trong nước, đồng thời xuất khẩu sang nhiều thị trường khác.

Hơn 1.100 DN tham dự

Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, việc kết nối hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp DN ổn định phát triển sản xuất. Chương trình cũng sẽ là cầu nối để các hệ thống phân phối của TP cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho các DN, HTX khi đưa hàng hóa vào siêu thị, cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì… Chính từ mục đích đó, hội nghị năm nay sẽ không giới hạn ở các tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ mà sẽ có sự tham gia của nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Theo số liệu của Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương TPHCM), đến thời điểm này có 32 tỉnh, thành đăng ký tham gia, trong đó có 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ; 7 tỉnh miền Đông Nam bộ và 12 tỉnh, thành khác gồm: Ninh Thuận, Hải Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh.

Số lượng các DN đăng ký tham gia hội nghị kết nối 2014 là 1.102 DN, trong đó có 255 DN của các địa phương và 847 DN TPHCM. Nét mới của hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm nay, bên cạnh các DN tham gia thuộc nhiều thành phần khác nhau, còn có rất nhiều các cơ sở suất ăn công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căn tin trường học, bếp ăn tập thể trong và ngoài KCX-KCN, các văn phòng đại diện đến tham quan và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Chương trình năm nay được tổ chức theo 2 nội dung chính gồm: Hội nghị sơ kết Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2014 và phần trưng bày giới thiệu sản phẩm, kết nối ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Theo Sở Công thương, trong số 1.102 DN tham dự hội nghị, sẽ có 308 DN trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ.

Với 32 tỉnh, thành trên cả nước và lực lượng DN hùng hậu tham gia, ban tổ chức hy vọng Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2014 sẽ diễn ra tốt đẹp. Theo đó, số lượng các hợp đồng hợp tác cung ứng và bao tiêu sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sẽ được ký kết nhiều hơn so với năm 2013. Đặc biệt, trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm đang rất chậm do kinh tế còn khó khăn thì việc tổ chức chương trình kết nối hàng hóa của Sở Công thương TPHCM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, trở thành một việc làm đầy ý nghĩa.

MINH HÙNG - HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục