Hội nghị thượng đỉnh EU: Sớm lập “bức tường lửa” ngăn khủng hoảng nợ công

Hội nghị thượng đỉnh EU: Sớm lập “bức tường lửa” ngăn khủng hoảng nợ công

Hãng AFP ngày 2-3 đưa tin, Hội nghị thượng đỉnh thường niên mùa xuân của Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc ở thủ đô Brussels, Bỉ, với trọng tâm chính là tìm ra giải pháp thúc đẩy việc làm và cân bằng tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm 2012.

  • Cố gắng thu hẹp bất đồng

Ngày làm việc đầu tiên của hội nghị đã thu được một số kết quả khả quan khi có nhiều tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm cách thu hẹp nhiều bất đồng trong việc thiết lập “bức tường lửa” ngăn khủng hoảng nợ công lan rộng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, lãnh đạo được tái bổ nhiệm trong phiên họp, đã

 khẳng định, eurozone cam kết sẽ sớm có quyết định về “bức tường lửa” trong tháng 3 để khôi phục lòng tin của thị trường. Trước tiên, có thể các nhà hoạch định chính sách sẽ kết hợp quỹ giải cứu châu Âu tạm thời và quỹ giải cứu dài hạn, EFSF và ESM, để tạo ra quỹ 1.000 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy nhanh việc đóng góp cho quỹ ESM. Lúc đầu, các nước EU dự định đóng góp hàng năm trong 5 năm, mỗi đợt 80 tỷ EUR (106 tỷ USD), nhưng ông Rompuy tiết lộ sẽ có 2 đợt đóng góp được thực hiện trong năm nay. Nếu sớm tạo được đồng thuận, eurozone sẽ kích hoạt quỹ cứu trợ mới để thay thế EFSF trị giá 440 tỷ EUR, nhưng thực tế chỉ còn 250 tỷ EUR do phải cứu trợ vỡ nợ cho Bồ Đào Nha, Ireland và Hy Lạp.  

Thủ tướng Đức Merkel trả lời phỏng vấn trước hội nghị EU.

Thủ tướng Đức Merkel trả lời phỏng vấn trước hội nghị EU.

Chính phủ Đức, quốc gia từng nhiều lần bác bỏ thiết lập “bức tường lửa” vì cho rằng thị trường tài chính đang đi vào ổn định, cũng đã giảm bớt tiếng nói phản đối việc mở rộng quy mô quỹ giải cứu châu Âu. Cuộc họp lần này cũng là dịp để các nhà lãnh đạo châu Âu đánh giá về vấn đề nợ công của Hy Lạp.

Mặc dù hài lòng trước các động thái dứt khoát gần đây của quốc hội nước này khi thông qua các biện pháp thắt chặt chi tiêu bổ sung, nhưng các bộ trưởng tài chính eurozone cho biết chưa thể ký thông qua chính thức gói cứu trợ thứ hai 130 tỷ EUR cho Athens cho tới cuối tháng này - thời điểm Hy Lạp hoàn thành tái cấu trúc nợ công ở khu vực tư nhân. 25/27 nhà lãnh đạo châu Âu đã ký hiệp định tài chính nhằm bảo vệ EU khỏi những cú sốc tài chính trong tương lai. Hiệp định này yêu cầu các nước EU phải đảm bảo việc cân bằng ngân sách, nếu ngân sách vượt ngưỡng 3% GDP sẽ phải chịu phạt 0,1% GDP.

Trong phiên họp, các nhà lãnh đạo hàng đầu EU đã thống nhất trao quy chế ứng cử viên gia nhập khối cho Serbia. Ông Van Rompuy kêu gọi nước này tiếp tục cải cách về chính trị và kinh tế để đạt chuẩn mực của nước thành viên EU. Ông cũng hối thúc Chính phủ Serbia triển khai trung thực tất cả thỏa thuận với Kosovo.

  • Cân bằng giữa việc làm và tăng trưởng kinh tế

Để tạo luồng sinh khí mới cho EU, khối này đã quyết định lựa chọn vấn đề thúc đẩy việc làm và tăng trưởng là ưu tiên lớn nhất tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức đầu tiên của năm diễn ra đầu tháng 2. Đến hội nghị chính thức diễn ra lần này, việc làm và tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục trở thành chủ đề được bàn thảo.

Theo Cơ quan thống kê Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp ở 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu tiếp tục tăng lên 10,4% trong tháng 12, ngang với mức tăng trong tháng 11 năm ngoái.

Trong phiên bế mạc, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên đã nhất trí thực hiện các biện pháp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và kết hợp thực hiện các biện pháp giảm nợ công, vốn đang mang lại kết quả khả quan. Theo đó, ngoài các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính, tăng năng lực cạnh tranh, các nguyên thủ EU quyết định tăng cường thực hiện các ưu tiên trong Chiến lược châu Âu 2020, ở cả cấp độ quốc gia và EU.

Những ưu tiên này do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, theo đó chú trọng thúc đẩy giải quyết vấn đề việc làm; tạo điều kiện cho đổi mới, nghiên cứu và phát triển; đáp ứng các mục tiêu năng lượng và biến đổi khí hậu; cải thiện giáo dục; và thúc đẩy quá trình giảm nghèo. 

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục