Syria đã trở thành chủ đề chính trong cuộc họp thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) bên cạnh một số vấn đề khác như: Hiệp định tự do thương mại EU - Mỹ, cải cách các định chế tài chính, siết chặt kỷ luật ngân hàng…
Khó tìm tiếng nói chung
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Lough Erne, Bắc Ireland, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G8 trong 2 ngày 17 và 18-6, để tìm kiếm sự giúp đỡ của người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nga hiện là đồng minh mạnh nhất của Syria. Mỹ muốn thông qua vai trò của Nga để thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua. Tại cuộc họp mặt song phương đầu tiên trong năm 2013 giữa 2 nhà lãnh đạo này, ông Obama cố gắng tìm điểm chung với ông Putin sau khi Nhà Trắng chọc giận Điện Kremlin vì viện trợ vũ khí cho lực lượng đối lập Syria.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron tại London trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh G8, Tổng thống Putin chỉ trích mạnh mẽ việc phương Tây viện trợ vũ khí cho lực lượng đối lập Syria, xem đó là giúp đỡ “quân ăn thịt người”. Reuters trích dẫn lời ông Putin nói tại một cuộc họp báo chung với Cameron: “Tôi nghĩ người ta không thực sự cần phải hỗ trợ những kẻ không chỉ tiêu diệt kẻ thù của họ, mà còn phanh thây ăn ruột của họ một cách công khai”.
Thủ tướng Cameron thừa nhận London và Mátxcơva vẫn còn nhiều đánh giá khác biệt về Syria. Nga không quan tâm đến cáo buộc của phương Tây rằng các lực lượng của Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học. Nga chỉ quan ngại rằng hỗ trợ quân sự của phương Tây cho quân nổi dậy Syria sẽ chỉ làm leo thang bạo lực.
Trong một động thái liên quan, Washington cho biết sẽ để lại máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa Patriot tại Jordan theo yêu cầu của nước này. Điều này khiến Nga nổi giận vì Nga cho rằng đây là cách để phương Tây chuẩn bị lập vùng cấm bay bên trong Syria.
Nga tiếp tục ủng hộ Chính phủ Syria
Về phần mình, Nga khẳng định tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cũng từ London trước khi đến Lough Erne, Tổng thống Putin khẳng định, Nga chấp hành luật pháp quốc tế khi cung cấp vũ khí cho chế độ Assad và yêu cầu các nước phương Tây dự tính trang bị vũ khí cho phe đối lập cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Trọng tâm trước mắt là Hội nghị quốc tế về Syria dự kiến diễn ra tại Geneva trong tháng 6 hoặc tháng 7-2013. Người Nga tin rằng phương Tây không nỗ lực thuyết phục phe đối lập tại Syria vào bàn đàm phán trong khi họ lại đòi hỏi Nga làm điều đó với Chính phủ Syria. Vì vậy, theo lập luận của nhiều nhà quan sát, không có nhiều hy vọng về một bước đột phá về vấn đề Syria sau Hội nghị thượng đỉnh G8. Mặc dù vậy, Tổng thống Putin tin rằng Hội nghị thượng đỉnh G8 là “một trong những phương tiện thích hợp nhất” để tìm giải pháp kết thúc cuộc xung đột ở Syria.
Thực tế, bản thân phương Tây cũng không khỏi lo ngại về khả năng khủng bố trà trộn vào lực lượng đối lập Syria. Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu với BBC rằng ông “lo lắng như bất cứ ai” về các thành phần khủng bố và cực đoan trong lực lượng đối lập chống Tổng thống Bashar Assad ở Syria. Thủ tướng Cameron khẳng định Anh chưa sẵn sàng cung cấp vũ khí cho quân đối lập Syria và chưa có kế hoạch đưa vấn đề này ra quốc hội xem xét. Thị trưởng London Boris Johnson cảnh báo viện trợ vũ khí cho quân đối lập sẽ rơi vào tay của Al-Qaeda. Thế nhưng, Thủ tướng Cameron khẳng định Syria cần có dân chủ và bầu ra người đại diện thực sự của họ chứ không phải là người sát hại dân chúng (ám chỉ Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lực lượng đối lập). Vì vậy, cần sớm có hội nghị quốc tế giải quyết vấn đề Syria.
THỤY VŨ (tổng hợp)