Hội nghị thượng đỉnh G8 - Thắt lưng buộc bụng cởi mở

Ngày 19-5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu (G8) đã kết thúc hai ngày làm việc tại trại David (bang Maryland, Mỹ). Hội nghị đã ra tuyên bố chung đề cập đến hàng loạt giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, đặc biệt là khủng hoảng nợ công châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh G8 - Thắt lưng buộc bụng cởi mở

Ngày 19-5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu (G8) đã kết thúc hai ngày làm việc tại trại David (bang Maryland, Mỹ). Hội nghị đã ra tuyên bố chung đề cập đến hàng loạt giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, đặc biệt là khủng hoảng nợ công châu Âu.

  • Thêm thời gian

Theo Reuters, trong tuyên bố chung, lãnh đạo các nước thuộc G8 đã ủng hộ việc giữ Hy Lạp ở lại trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone); đồng thời cam kết tiến hành tất cả những bước cần thiết để đối phó với bất ổn tài chính.

Các nhà lãnh đạo G8 khẳng định, việc Hy Lạp ra đi sẽ để lại những hậu quả không thể lường trước đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, họ khuyến nghị thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng cùng với các biện pháp kích thích kinh tế, tạo việc làm.

Tuyên bố chung cho rằng cần phải cho các nước đang mắc nợ công cao có thêm thời gian giải quyết khủng hoảng và cho họ chọn những điều kiện phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc cắt giảm ngân sách.

Tuyên bố cũng kêu gọi tăng cường đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng, đồng nghĩa với việc tăng chi tiêu ngân sách, trong khi hàng loạt nước EU đang cắt giảm ngân sách giáo dục, tăng học phí, làm con em các gia đình lao động càng khó khăn hơn. Cách tiếp cận này được cho là trùng khớp với nội dung chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tuyên bố chung dù nhấn mạnh cần thiết phải thắt lưng buộc bụng nhưng đã cởi mở hơn Hiệp ước tài chính châu Âu mà 25/27 thành viên EU (trừ Anh và CH Czech) đã ký kết và có thể góp phần dẫn đến cái kết cho hiệp ước này. Hiệp ước yêu cầu các thành viên EU phải ngay lập tức cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn đúng 3% GDP theo quy định của EU mới được nhận gói cứu trợ khi cần thiết.

Ngày 17-5, trong phiên họp đầu tiên của chính phủ mới, Tổng thống Pháp đã tuyên bố nhất định không phê chuẩn hiệp ước này và sẽ đàm phán lại các điều khoản của nó. Ireland chuẩn bị trưng cầu dân ý về hiệp ước vào cuối tháng nhưng hiện nay các cuộc khảo sát đều cho thấy người dân sẽ bác bỏ.

  • Tiếng nói của người dân

Trong khi các nhà lãnh đạo G8 đến cuộc họp này mới nhìn nhận cần phải nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng thì người dân nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã nhìn thấy ảnh hưởng tiêu cực của nó. Thái độ đó thể hiện qua hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp thế giới. Mới đây, ngày 19-5, trên chính quê hương của người đề xướng chính sách thắt lưng buộc bụng, ít nhất 20.000 người đã tuần hành qua TP Frankfurt - trung tâm tài chính của Đức, để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở các quốc gia thuộc eurozone.

Không có người biểu tình nào bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc tuần hành. Những người biểu tình cho biết, chính phủ các nước trong eurozone đang khiến cho người dân bị tổn thương do những biện pháp kinh tế khắc khổ và bất công. Đợt tuần hành thuộc phong trào chống chủ nghĩa tư bản “Blockuppy” ở Đức, tương tự như phong trào Chiếm lấy phố Wall của Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh G8 - Thắt lưng buộc bụng cởi mở ảnh 1

Người biểu tình chống chủ nghĩa tư bản Blockuppy ở Đức ngày 19-5.

Một người phát ngôn của phong trào “Blockuppy” cho biết, họ biểu tình chống lại chính sách bần cùng hóa trên toàn châu Âu của bộ 3 gồm Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) vốn là những tổ chức đang giám sát các chương trình cứu trợ tài chính cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.

Cuộc biểu tình ở Đức được xem là sự kiện tiếp nối chuỗi các cuộc biểu tình ở hàng loạt quốc gia châu Âu trong thời gian gần đây. Tuần trước, các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa tư bản đã lần lượt diễn ra ở những nơi mà chính sách thắt lưng buộc bụng đã ghé đến.

Theo tờ Independent, hàng ngàn người đã biểu tình ở các TP lớn như Mátxcơva (Nga), New York (Mỹ), Athens (Hy Lạp), Madrid (Tây Ban Nha) để nói không với chủ nghĩa tư bản và những hệ lụy mà người dân phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng. 

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục