Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 23-9 được các nhà quan sát nhận định khó có các quyết sách hợp lý trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng người di cư khi nội bộ đang xào xáo và không đạt được sự đồng thuận tuyệt đối từ 28 thành viên.
Tây ép buộc Đông
Theo kế hoạch, tại hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo các quốc gia thuộc EU dành phần lớn thời gian thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư từ Trung Đông và châu Phi sang EU; tìm kiếm giải pháp thúc đẩy viện trợ cho những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước Trung Đông khác; thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn vì nghèo đói và chiến tranh.
Trước đó, đêm 22-9, với đa số phiếu ủng hộ, các Bộ trưởng Nội vụ EU đã thông qua kế hoạch tái phân bổ 120.000 người di cư giữa các nước thành viên khối, nhằm giảm tải cho các nước tuyến đầu như Hy Lạp, Italia và Hungary. Theo EU, trong tổng số 120.000 người di cư, khoảng 66.000 người đã được cấp quy chế tị nạn sẽ được tái bố trí từ Hy Lạp và Italia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 54.000 người còn lại, từng bị Hungary từ chối tiếp nhận, sẽ được tái phân bổ.
Hai em bé lạc cha mẹ trong dòng người di cư tại khu vực biên giới Hy Lạp - Macedonia
Kế hoạch phân bổ hạn ngạch vừa được thông qua là bắt buộc đối với toàn bộ 28 nước thành viên EU. Tuy nhiên, việc thực thi kế hoạch này sẽ còn gặp nhiều khó khăn do sự phản đối quyết liệt của 4 nước Đông Âu CH Czech, Slovakia, Romania và Hungary. Cả 4 nước này cùng bỏ phiếu chống để phản đối kế hoạch, với lý do EU không có quyền buộc họ phải tiếp nhận người di cư, những người đang tìm cách xin cấp quy chế tị nạn tại Tây Âu. Họ lập luận rằng giải pháp trên của EU chẳng khác nào một sự xâm phạm chủ quyền quốc gia. Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cho biết không khí xung quanh bàn đàm phán “rất khủng khiếp” và mô tả đây là một “ngày tồi tệ” đối với châu Âu. Thậm chí, Thủ tướng CH Slovakia Robert Fico thông báo có thể không tham dự hội nghị thượng đỉnh để bày tỏ sự phản đối của Slovakia, dù cho đó là sự phản đối đơn phương và có thể vấp phải sự chỉ trích của các nước thành viên khác.
Như vậy, Ủy ban châu Âu (EC) đã không thể tìm được sự đồng thuận hoàn toàn từ 28 nước thành viên EU đối với kế hoạch tái phân bổ. Theo giới quan sát, căn cứ theo sự phức tạp của tình hình, hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU sẽ khó có thể đưa ra những quyết sách mang tính đột phá về vấn đề người di cư vốn đòi hỏi sự đồng thuận của các quốc gia thành viên.
Dòng người di cư còn tăng
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả nghiên cứu “Bàn thảo chính sách di trú” cho biết, khoảng 450.000 người trong số những người di cư đang đổ về châu Âu sẽ được hưởng quy chế tị nạn lâu dài. Đây được coi là con số người di cư lớn nhất được tiếp nhận tị nạn kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.
Thông qua việc đi sâu phân tích các xu hướng di cư mới nhất đang diễn ra và chính sách nhập cư của nhóm các nước công nghiệp phát triển là thành viên của OECD, nghiên cứu trên cho thấy từ đầu năm đến nay đã có khoảng 700.000 người nộp đơn xin tị nạn tại các nước thuộc EU và con số này vào thời điểm cuối năm 2015 ước tính lên đến 1 triệu người. OECD đánh giá cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay là chưa từng có tiền lệ đối với các nước phát triển. Trước tình hình khủng hoảng tại hàng loạt nước như Syria, Libya, Afghanistan, OECD dự báo dòng người di cư quy mô lớn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Đáng chú ý, tổ chức này cảnh báo số lượng trẻ em và thanh thiếu niên trong dòng người di cư - đối tượng chưa đủ tuổi để nộp đơn xin tị nạn-có thể lên đến 100.000.
VIỆT ANH (tổng hợp)