Hội nghị thượng đỉnh NATO: “Nóng” chuyện tiền nong

Bất đồng
Hội nghị thượng đỉnh NATO: “Nóng” chuyện tiền nong

Hôm nay 20-5, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc tại Chicago (Mỹ). Nhiều chuyên gia nhận định, với các diễn biến chính trị đang làm biến đổi chương trình nghị sự an ninh quốc tế, Hội nghị NATO được dự báo đặt trọng tâm vào chuyện chia sẻ gánh nặng quốc phòng và việc rút quân khỏi Afghanistan.

Người biểu tình ở Chicago kêu gọi chấm dứt chi tiêu cho chiến tranh, đánh thuế cao đối với nhà giàu.

Người biểu tình ở Chicago kêu gọi chấm dứt chi tiêu cho chiến tranh, đánh thuế cao đối với nhà giàu.

Bất đồng

Ông Karl-Heinz Kamp, Giám đốc nghiên cứu Cao đẳng quân sự NATO tại Rome, cho hay vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Hội nghị NATO chắc chắn sẽ là Afghanistan, nơi NATO quyết định rút lực lượng chiến đấu gồm 130.000 quân vào năm 2014. Nhiều chuyên gia quân sự trước đó cảnh báo Afghanistan sẽ sụp đổ nếu NATO rút quân vì Chính phủ Afghanistan hiện nay chưa thể đảm đương vấn đề an ninh. Việc NATO rút quân hiện nay có thể nói là do áp lực từ dư luận trong nước cũng như việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng ở các nước châu Âu đang gặp khủng hoảng kinh tế.

Trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại, ngoài việc đảm bảo an ninh, NATO cũng cần phải khẩn trương huấn luyện các lực lượng an ninh của Afghanistan đủ để họ có thể nhận hoàn toàn trách nhiệm đảm bảo an ninh sau khi NATO rút quân. Bởi việc rút quân này phải chuyển tải được thông điệp: Sứ mạng của NATO tại Afghanistan chính là thành công trong việc đánh bại Al-Qaeda, tăng cơ hội việc làm cho phụ nữ, tăng số trường học dành cho trẻ em và khả năng duy trì sự thống nhất của NATO, bất chấp những hy sinh.

Trong khi đó, hãng AFP ngày 19-5 cho biết, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã khẳng định việc Pháp rút 3.500 quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2012 là điều không phải bàn cãi. Việc Pháp rút quân sớm trước thời hạn 1 năm ít nhiều gây khó khăn cho NATO trong việc đảm bảo an ninh tại Afghanistan từ nay cho đến 2014. Tuy nhiên, theo ông Hollande, thỏa thuận giữa Pháp và Afghanistan về việc Pháp huấn luyện quân đội và cảnh sát cho quốc gia Trung Á được ký kết hồi đầu năm nay sẽ vẫn được thực hiện.

Chia sẻ gánh nặng quốc phòng

Hội nghị NATO lần này cũng bị tác động mạnh bởi tiếng vọng của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Hiện nhiều nước châu Âu là thành viên NATO đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng kinh tế đang khiến Mỹ không hài lòng. Có một thực tế, kể từ khi thành lập vào năm 1949, Mỹ vẫn là nước cung cấp ngân sách cho NATO nhiều nhất. Hiện không chỉ châu Âu mà cả Mỹ cũng đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Barry Pavel, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế ở Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng: NATO cần một thỏa thuận mới. Thời mà châu Âu hy vọng Mỹ dẫn đầu các hoạt động ở châu Âu hoặc gần đó mà không có lợi ích sống còn của Mỹ đã qua rồi.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đã dẫn đến chủ đề mới tại Hội nghị Chicago sẽ là khái niệm “phòng thủ thông minh”. Theo Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, trong bối cảnh ít hy vọng tăng chi tiêu quốc phòng thì ngân sách quốc phòng hiện có phải được chi tiêu thông minh hơn. Thay vì lập kế hoạch và thu mua riêng lẻ, 28 thành viên NATO có thể tìm cách đóng góp nỗ lực và chia sẻ các loại vũ khí đắt tiền. Ý tưởng này không mới và hoàn toàn hợp lý nhưng lại xung đột với thực tế chính trị. Tất cả các nước thành viên NATO chủ chốt đều ủng hộ việc đóng góp và chia sẻ trên nguyên tắc nhưng trên thực tế, họ không muốn cung cấp các tài sản quân sự cho các chiến dịch chung, như chiến dịch Libya vừa qua.

Hội nghị Chicago cũng sẽ giải quyết cuộc tranh luận trong nội bộ NATO về phòng thủ tên lửa. Mặc dù Mỹ vẫn đang theo đuổi các kế hoạch cho một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia trong 30 năm qua, các chính phủ thuộc NATO đã tuyên bố rằng phòng thủ tên lửa nên là một dự án của cả liên minh. Nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn liên minh sẽ buộc các nước châu Âu phải đóng góp kinh phí, một khó khăn lớn vào thời điểm tất cả các nước NATO đang cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng.

Vấn đề quan trọng không kém hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ là quan hệ NATO - Nga. Mối quan hệ giữa 2 bên đang ngày càng căng thẳng xung quanh vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ và châu Âu (NMD). Đầu tháng 5 vừa qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Nikolai Makarov đã đề cập đến khả năng tấn công phủ đầu NMD nếu tình hình trở nên căng thẳng. Hơn nữa, Tổng thống Vladimir Putin là người nổi tiếng cứng rắn với phương Tây nên vấn đề này dường như sẽ khó được giải quyết tại Chicago.

Ngày 19-5, hàng ngàn người đã tập trung biểu tình tại trung tâm TP Chicago kêu gọi lãnh đạo chính phủ các nước NATO chấm dứt các khoản chi cho chiến tranh, tập trung cho an sinh xã hội. Những người biểu tình cũng giơ cao các khẩu hiệu yêu cầu đánh thuế cao hơn đối với nhà giàu.

Đỗ Văn (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục