Hội nghị trực tuyến G20 hủy vì bất đồng giữa Mỹ, Trung Quốc và WHO

Hội nghị trực tuyến nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) về phòng chống Covid-19 đã hủy bỏ do bất đồng giữa Mỹ, Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 hôm 26-3 do Saudi Arabia chủ trì
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 hôm 26-3 do Saudi Arabia chủ trì

Lẽ ra hội nghị này được tổ chức vào ngày 24-4, dự kiến có sự tham gia trực tuyến của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mỹ ngưng đóng góp cho WHO

Tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao sau khi Washington cáo buộc Trung Quốc cùng WHO chịu trách nhiệm về việc để đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu mà không cảnh báo sớm. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ các khoản đóng góp của Mỹ cho WHO để phản đối những gì ông coi là “phương pháp tiếp cận tập trung vào Trung Quốc” của WHO.

Theo AP, ông Tawfiq Al-Rabiah, Bộ trưởng Y tế của Saudi Arabia, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, đã đột ngột hủy một cuộc họp báo theo kế hoạch và nói rằng ông rất cần tham dự một cuộc họp của lực lượng chuyên trách chống Covid-19 trong nước.

Với số ca mắc Covid-19 ở Mỹ gần 1 triệu người và số tử vong đã vượt quá 50.000 người, Mỹ trở thành tâm dịch mới. Mỹ đang nghi ngờ Trung Quốc thiếu minh bạch về sự bùng phát virus. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn làm dấy lên nghi ngờ về số người thiệt mạng thực sự được báo cáo ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ. Trung Quốc trong ngày 23-4 cũng đã tuyên bố sẽ cấp thêm 30 triệu USD cho WHO để tài trợ cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của các nhà lãnh đạo G20 để đối phó với sự bùng phát của Covid-19 đã được tổ chức vào ngày 26-3 với cam kết làm “bất cứ điều gì cần thiết để vượt qua đại dịch” và đưa ra gói 5.000 tỷ USD để giúp đỡ nền kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc

Báo Korea Times dẫn lời ông Jia Qingguo, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Bắc Kinh, cho biết, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã xấu đi trong nhiều năm, và sự bùng phát của Covid-19 đã khiến tình hình tồi tệ hơn. Đây có thể là cơ hội để hai nước hợp tác đối phó với Covid-19, nhưng Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc và phản ứng của Trung Quốc đã cho thấy có lý do để tăng cường đối đầu.

Ông Jia nói thêm rằng, nếu ông Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ có thể leo thang thành một cuộc đối đầu toàn diện. Trước đó vào ngày 24-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Mỹ “không đi ngược lại cộng đồng quốc tế” bằng cách làm suy yếu WHO. Ông Cảnh Sảng cũng nhấn mạnh, Trung Quốc luôn hành động một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm khi đương đầu với Covid-19 cũng như thông tin về bệnh dịch với WHO; thực hiện hợp tác quốc tế về ngăn chặn và kiểm soát đại dịch sớm nhất có thể. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 23-4, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đã biết về những trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, “có thể ngay từ tháng 11-2019”.

Phát biểu tại một sự kiện của Bloomberg trên mạng, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng bảo vệ cách thức chống dịch Covid-19 của Trung Quốc. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập ông Thôi Thiên Khải để phản đối những bình luận của Bắc Kinh cho rằng quân đội Mỹ có thể đã mang virus SARS-CoV-2 đến Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng quan hệ 2 nước. Viện Virus học Vũ Hán do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ cho rằng virus xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Thế nhưng, hầu hết chuyên gia tin rằng virus có nguồn gốc từ một thị trường bán động vật hoang dã ở Vũ Hán và lây từ động vật sang người. 

Tin cùng chuyên mục