Hàng năm, cứ mỗi dịp đầu xuân, Ban liên lạc Việt kiều Lào - Thái Lan TPHCM tổ chức họp mặt bà con kiều bào đã từng sinh sống tại đất nước bạn Lào - Thái Lan và hiện nay sinh sống làm việc tại TPHCM. Năm nay cũng vậy, vào ngày 9-2 (tức mùng 10 Tết Giáp Ngọ), ban liên lạc đã tổ chức cuộc gặp mặt trên 200 người từng là kiều bào Việt Nam ở Lào và Thái Lan.
Theo ông Hoàng Ngọc Hùng, Trưởng ban liên lạc Việt kiều Lào-Thái Lan TPHCM, hiện có hơn 500 kiều bào Lào - Thái Lan sống tại TPHCM và một số ít ở Đồng Nai. Ban liên lạc Việt kiều Lào - Thái Lan TPHCM luôn là cầu nối của Việt kiều đang sinh sống tại 2 nước Lào - Thái Lan. Trên cơ sở các thành viên đều thông thạo ngôn ngữ, văn hóa của 2 nước Lào, Thái Lan, ban đã tham gia các hoạt động củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa 3 dân tộc Việt - Lào - Thái theo đường lối ngoại giao nhân dân.
Ngoài cuộc gặp đầu xuân, ban liên lạc cũng đã tổ chức các hoạt động mừng tết Bunpimay của Lào và tết Sonkran của Thái Lan cũng như tham gia các hoạt động ngoại giao liên quan đến Lào và Thái Lan. Ban liên lạc cũng đã vận động các thành viên tham gia các hoạt động từ thiện như giúp đỡ trẻ em khuyết tật TPHCM và chung tay cứu trợ nạn nhân bão Haiyan ở Philippines.
Bà Lê Thị Kim Thanh, từng là kiều bào ở Lào và Thái Lan, cho biết ba mẹ bà gốc ở Long Xuyên, An Giang, di cư sang Thái Lan qua ngõ Campuchia vào năm 1945. Bà sinh ra ở Bangkok năm 1950. Năm 1960 cả nhà trở về Việt Nam ở. Bà hãnh diện cho biết đã được gặp Bác Hồ năm 1962. Sau ngày đất nước thống nhất, bà làm việc cho Văn phòng kiến trúc sư trưởng TPHCM.
Ông Trần Văn Tường cũng như nhiều kiều bào Lào - Thái Lan khác cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Ông bà của ông từ Quảng Bình sang Lào sinh sống. Ông sinh ra tại Savanakhet năm 1936. Năm 1946, khi Pháp tái xâm chiếm Đông Dương, gia đình ông sơ tán sang Ubon Ratchathani, Thái Lan. Năm 20 tuổi, ông trở lại Lào tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau đó ông về ở Sài Gòn. Hiện ông đang sinh sống tại quận 3 TPHCM, còn các anh em và bà con sinh sống tại Ubon Ratchathani. Ông thường xuyên về thăm anh em và mồ mả ông bà ở Ubon Ratchathani.
Có thể nói, đa số các kiều bào Lào - Thái Lan bằng nhiều hoạt động đã đóng góp mồ hôi và cả xương máu vào cuộc chiến chống ngoại xâm, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Sau khi đất nước thống nhất họ tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng xã hội mới và đến nay, hầu hết ở tuổi hưu trí họ vẫn tham gia vào các hoạt động xã hội và củng cố quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan.
Điều này đã được Tổng lãnh sự Lào Southideth Phomalat và Tổng lãnh sự Thái Lan Panpimon Suwannaphongse ghi nhận và đánh giá cao trong buổi gặp gỡ đầu Xuân Giáp Ngọ.
Theo ông Hoàng Ngọc Hùng, sắp tới, thông qua các cơ quan như Hội Liên lạc với người Việt ở nước ngoài, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Thái Lan; Ban liên lạc kiều bào Lào - Thái Lan sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc giao lưu văn hóa, kinh tế, từ đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực.
THỤY VŨ