Hội nhập WTO: Việt Nam vừa học vừa làm

Có lẽ sẽ chẳng bao giờ người Việt Nam quên được cái ngày 7-11-2006, khi WTO, thể chế thương mại lớn nhất hành tinh làm lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 150. Không quên, bởi nó diễn ra ngay trước thềm Hội nghị APEC lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, đánh dấu một bước tiến dài trong quá trình hội nhập của Việt Nam vào guồng máy thể chế quốc tế. Không quên, cũng bởi đây là kết quả của một quá trình đàm phán cam go, quyết liệt, kéo dài 11 năm và gần 10 tháng lèo lái tại các bàn đàm phán quốc tế.

Gần 12 năm đàm phán là một quãng đường khá dài. Song, kết quả được cho là “có chất lượng cao”, theo lời đại diện Canada. EU cũng khẳng định quá trình đàm phán cũng phản ảnh “giai đoạn quan trọng trong chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam cũng như là của hệ thống thương mại nước này”.

Buổi sáng 7-11 này, Geneva tràn ngập ánh nắng. Trời cũng ấm hơn so với vài ngày trước. Chẳng có sự chuẩn bị “thiên thời” nào tuyệt vời hơn thế ở thành phố nhỏ bé của Thụy Sĩ trong tiết đông này. Vào thời điểm Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, theo bước là Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và các thành viên chủ chốt của đoàn đàm phán Việt Nam, bước ra khu nhà chính của WTO và đi về phía nhà hội đồng, những phập phồng hoài nghi về thời điểm gia nhập của Việt Nam chính thức lùi về phía sau.

Thế nhưng, bắt đầu từ đây, Việt Nam phải đối mặt với những lo toan thách thức mới mà “cơ hội WTO” mang lại. Đằng sau những cái bắt tay chào mừng ngoài cửa phòng họp của các đại sứ, Việt Nam chắc chắn sẽ bị coi là một đối thủ cạnh tranh trong “đại gia đình WTO”, theo như cách dùng từ của ông Pascal Lamy. Tuy vậy, để trở thành một đối thủ cạnh tranh thực sự, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Với cơ sở hạ tầng về hệ thống pháp lý, thuế và tài chính hiện nay, Việt Nam chưa thể hấp thụ được hết nguồn đầu tư nước ngoài chắc chắn tăng mạnh sau khi hội nhập.

Cam kết đã ký, vấn đề còn lại là làm sao Việt Nam, trực tiếp hoặc gián tiếp, biến những câu thúc về giảm thuế và quy luật chơi mới với các đối tác cũ thành có lợi cho mình. Có vẻ như Việt Nam chưa có đầy đủ những phương tiện để thích ứng ngay với tình hình mới. Không phải là bất cứ doanh nghiệp nào cũng hiểu cách vận hành của WTO và ý nghĩa của việc Việt Nam gia nhập tổ chức này đối với hoạt động của chính doanh nghiệp họ. Về phần mình, Chính phủ Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề lựa chọn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và khuyến khích xuất khẩu như thế nào một cách hiệu quả nhất trong khuôn khổ luật chơi WTO.

Bởi, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước xuất khẩu nông nghiệp, nên khi được hỏi, một số học giả tại Geneva ngay lập tức đưa ra phản ứng về ngành nông nghiệp của Việt Nam. Lập luận thường thấy là trong khuôn khổ WTO, những hy sinh về nông nghiệp là để đổi lại một số thắng lợi về phát triển công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng trong 20 năm đầu đổi mới, bên cạnh những thành tựu kinh tế nổi bật đáng khích lệ, Việt Nam cũng vấp phải tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Hội nhập và toàn cầu hóa, bản thân nó, chỉ làm cho sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Lĩnh vực nông nghiệp, vốn gắn bó mật thiết với khu vực nông thôn, cần phải được chú trọng và chuẩn bị kỹ càng để không trở thành nạn nhân sớm nhất của cơ chế toàn cầu hóa thương mại.

Gia nhập sân chơi mới, giờ đây, những bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ được đánh giá không chỉ thông qua sự so sánh giữa Việt Nam ngày nay với Việt Nam của ngày hôm qua, mà trước hết là qua sự so sánh giữa Việt Nam ngày nay với các thành viên khác của ngày hôm nay. Có nghĩa là Việt Nam phải làm quen và thích nghi với nhịp độ của sự vận hành WTO vốn vẫn còn rất mới mẻ với đất nước.

Không khí đường phố Geneva vẫn có vẻ yên ắng. Có lẽ người dân ở đây cũng đã quen với những sự kiện mang tầm quốc tế kiểu này thường xuyên diễn ra tại thành phố nhỏ bé này của họ. Song, những lay động của cơn sóng mới thì đã rõ trong mỗi người Việt Nam. WTO chào đón 83 triệu dân bên bờ Thái Bình Dương, nhưng sẽ không nói cho họ biết cần phải làm gì trong cơ chế hội nhập mới. Lại một quá trình vừa học vừa làm đang bắt đầu trước mắt đất nước Rồng Tiên. 

PHAN LÊ (Gửi về từ Geneva)

Thông tin liên quan

WTO chính thức kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 150 

Dấu son trong tiến trình hội nhập

“Việt Nam đang gầm như sấm sét tiến vào kinh tế thế giới”

Tin cùng chuyên mục