Hội Phụ nữ và Thành đoàn TPHCM mở rộng chương trình bình ổn thị trường

Hình thành hàng trăm điểm bán mới
Hội Phụ nữ và Thành đoàn TPHCM mở rộng chương trình bình ổn thị trường

Thực hiện mục tiêu đưa hàng hóa bình ổn thị trường đến tận tay người tiêu dùng, ưu tiên phục vụ người dân, công nhân, học sinh khu vực vùng xa các quận ven, huyện ngoại thành, các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCN-KCX), gần 2 năm qua, TPHCM đã vận động các tổ chức chính trị, xã hội cùng vào cuộc để có nguồn hàng hóa dồi dào…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng thăm hỏi nhân viên bán hàng bình ổn giá.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng thăm hỏi nhân viên bán hàng bình ổn giá.

Hình thành hàng trăm điểm bán mới

Theo bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM, để triển khai việc ký kết liên tịch với Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS) TPHCM và các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), thời gian qua, Hội LHPN TP đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội Xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức khảo sát nhu cầu, xây dựng các cửa hàng Co.op liên kết - Hội Phụ nữ. Ngoài việc tạo thêm kênh bán hàng, các cửa hàng này còn tham gia quảng bá và giới thiệu sản phẩm hàng Việt, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn dân cư.

Trong những tháng đầu năm 2013, Hội LHPN phối hợp với Saigon Co.op khai trương 16 cửa hàng Co.op tại quận 8, 9, 10, Thủ Đức, Tân Phú và huyện Củ Chi. Đến nay, có 753 điểm bán bình ổn thị trường do Hội Phụ nữ phát triển gồm: 62 cửa hàng liên kết Hội Phụ nữ - Co.op, doanh thu đạt 54 tỷ đồng; 691 điểm bán do Hội Phụ nữ tổ chức vận động các tiểu thương kinh doanh trên địa bàn TP tham gia bán hàng bình ổn thị trường, trong đó có 179 tiểu thương kinh doanh tại 50 chợ cấp quận, huyện quản lý và 512 điểm bán trên địa bàn dân cư.

Ngoài ra, Hội LHPN TP còn phối hợp với Sở Công thương tổ chức 20 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng cho 3.300 lượt tiểu thương. Qua đó giúp tiểu thương nâng cao ý thức kinh doanh, nâng cao văn minh thương mại, hiểu và chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh như niêm yết giá, bán đúng giá, không mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… góp phần quan trọng ổn định thị trường.

Về phía Thành đoàn TNCS, ngay sau khi ký kết cũng đã triển khai kế hoạch phát triển điểm bán đến đoàn thanh niên các cấp quận - huyện, phường - xã - thị trấn. Kết quả đã có 6 cửa hàng liên kết Thanh niên ra đời tại 2 huyện Bình Chánh, Nhà Bè và các quận 2, 12. Triển khai thí điểm mô hình “Bán hàng bình ổn thị trường thông qua phiếu đặt hàng trước”. Theo mô hình này, Đoàn Thanh niên phát hành phiếu đăng ký mua hàng, triển khai đến các tổ dân phố, khu phố và đoàn viên thanh niên trực tiếp tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của người tiêu dùng để lập danh sách, trên cơ sở thống kê gửi đến Satra cung ứng hàng đến người tiêu dùng. Chương trình “Bán hàng bình ổn thị trường thông qua phiếu đặt hàng trước” đã được tổ chức 8 đợt, phát hành 3.000 tờ rơi, thu hút 650 đoàn viên tham gia, doanh thu bán hàng đạt được 151,5 triệu đồng. Trong đó có 2 đợt tại Quận 1 và 3 đợt tại Quận 4 phục vụ trực tiếp người tiêu dùng tại nhà; 3 đợt tại Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản APT (Bình Chánh) phục vụ công nhân lao động…

Nhân rộng các mô hình cửa hàng liên kết

Nhìn chung, mô hình liên kết hội phụ nữ, đoàn thanh niên với các DN trong chương trình đã được triển khai thực hiện hiệu quả, nhận được sự đồng thuận, sự ủng hộ nhiệt tình và phấn khởi từ người dân, thanh niên công nhân và học sinh, sinh viên khu vực vùng sâu, vùng xa nơi tiện ích của các hệ thống phân phối còn nhiều hạn chế.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, phát huy kết quả đạt được trong triển khai thực hiện mô hình liên kết, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các DN trong chương trình phấn đấu phát triển thêm tối thiểu 525 điểm bán, trong đó 5 siêu thị, 37 cửa hàng tiện lợi và 30 cửa hàng Co.op. Riêng Hội Phụ nữ phấn đấu đầu tư mới 7 cửa hàng liên kết và 31 điểm bán trong khu dân cư và chợ truyền thống. Hội cũng sẽ phối hợp với Công ty Ba Huân và Công ty TNHH Phạm Tôn phát triển thêm 50 điểm bán. Tương tự, Đoàn Thanh niên sẽ phấn đấu khai trương thêm 2 cửa hàng liên kết Thanh niên, đẩy mạnh phát triển mô hình “Bán hàng bình ổn thị trường thông qua phiếu đặt hàng trước”, tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu động, Phiên chợ hàng Việt...

Sau gần 2 năm thực hiện liên kết cùng với sự nỗ lực của các DN tham gia chương trình bình ổn và các đoàn thể vượt qua khó khăn, khắc phục các hạn chế, tồn tại về kinh nghiệm, vốn… góp phần phát triển mạng lưới phân phối trên địa bàn TP tăng nhanh về số lượng, ngày càng củng cố về chất lượng, đa dạng hình thức phân phối, nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình bình ổn thị trường TP. Để  làm tốt việc này, Sở Công thương sẽ tăng cường phối hợp với các DN có kinh nghiệm tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn về bán hàng, cách trưng bày hàng hóa cho các thành phần cùng tham gia. Ngoài ra, sở cũng vận động các DN nghiên cứu đa dạng hóa các mặt hàng để cung ứng cho các cửa hàng, đồng thời có chính sách về giá phù hợp để hỗ trợ cho các cửa hàng nâng cao doanh số, ổn định kinh doanh.

Chỉ đạo công tác phát triển mạng lưới phân phối, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng yêu cầu đẩy nhanh công tác phát triển điểm bán theo mô hình liên kết DN bình ổn thị trường với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên nhằm mục đích đưa hàng hóa vào từng ngõ hẻm, khu lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể,… đồng thời thực hiện tổ chức các chương trình bán hàng lưu động, các phiên chợ thanh niên, phiên chợ hàng Việt… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của đối tượng người lao động, học sinh, sinh viên có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

NGUYÊN PHƯƠNG - UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục