Kỹ thuật ghép tạng của y khoa nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc, không hề thua kém các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt, người bệnh ghép mô tạng ở trong nước chi trả dịch vụ y tế rẻ hơn nhiều so với nước ngoài. Tuy nhiên, đáng buồn, cả nước mới có khoảng 1.000 người may mắn được ghép tạng để hồi sinh, thoát khỏi từ “lưỡi hái tử thần”, bởi lẽ nguồn mô tạng trong nước quá khan hiếm, số người hiến tặng mô tạng vẫn rất hạn chế…
Mặc dù mới chỉ được ghép tạng được gần 2 tháng và vẫn phải sử dụng thuốc chống thải ghép, nhưng cuộc sống của anh Trần Văn Long (49 tuổi, ở Hà Nội) thực sự có những thay đổi rất lớn. Không giấu khỏi niềm vui, anh Long chia sẻ: “Trước đây tôi bị suy thận, yếu lắm, đi lại còn không vững, hàng tuần phải vào bệnh viện để chạy thận nhân tạo. Cuộc sống phải phụ thuộc vào máy móc, thuốc men nên nhiều khi chán nản, cứ nghĩ quẩn. Tuy nhiên, sau khi được ghép thận, cuộc sống và cả cuộc đời của tôi đã thực sự hồi sinh. Sức khỏe đã ổn định và tôi đã đi làm trở lại, với những công việc yêu thích. Tấm lòng cao đẹp của những người hiến mô, tạng đã giúp cho tôi có cơ hội được sống, vượt qua tử thần…”.
Cùng niềm vui được ghép tạng, bác Nguyễn Minh Đức (68 tuổi ở Hà Nội) là bệnh nhân đầu tiên được ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức lấy nguồn từ người chết não. Gần 2 năm sau ca ghép thận này, bây giờ hàng ngày bác Đức đã có thể đi bộ, đạp xe đạp hàng giờ mà không hề mệt mỏi.
Những người như anh Long hay bác Đức thực sự là những bệnh nhân may mắn khi được ghép tạng làm hồi sinh cuộc sống. Bởi thực tế cả nước hiện còn hàng vạn bệnh nhân đang điều trị ở nhiều bệnh viện mà hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi chờ đợi có nguồn mô tạng để ghép, với mong muốn thoát khỏi bệnh tật.
Chị Trần Thị Ánh Hường (37 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị suy thận mãn đã 8 năm qua, tâm sự: “Căn bệnh của tôi, cũng như nhiều bệnh nhân khác không phải là vô phương cứu chữa, nhưng quả thật, lúc nào tâm trí cũng bị dằn vặt vì tìm đâu ra nguồn tạng để ghép. Đó là chưa kể những trăn trở về gánh nặng cuộc sống gia đình và tiền bạc vì phải chạy thận...”.
“Để giải quyết tình trạng khan hiếm mô tạng, cần vận động, tuyên truyền để người dân bỏ qua những nghi ngại về phong tục tập quán. Để thấy được rằng một người hiến tạng lúc qua đời có thể cứu sống được nhiều người, đây là hành động mang ý nghĩa nhân văn, cao cả…” - PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, bày tỏ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng, tôn vinh gia đình có người hiến tạng.
Minh Khang