Hồi sinh “thủ phủ” sưa

Xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), trước đây được xem là “thủ phủ” sưa của cả khu vực Đông Dương, nằm trong rặng núi đá vôi Kẻ Bàng hùng vĩ.  Sau một thời gian dài cây sưa ở đây bị khai thác cạn kiệt, nay đồng bào A Rem đã hồi sinh một khu rừng sưa trên núi đá vôi với hơn 8ha thuần chủng. 
Người A Rem phát triển đàn gia súc dưới tán sưa
Người A Rem phát triển đàn gia súc dưới tán sưa

Mọc lên từ vùng “đất chết”

Cuối năm 2002, ở xã Tân Trạch, trong số người A Rem sống trong vùng lõi Phong Nha - Kẻ Bàng xuất hiện những người bị bệnh vàng da, mắt mờ và qua đời. Đồng bào hoang mang, nhiều người vào hang đá sinh sống. Thời gian đó, ông Nguyễn Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, trăn trở và ông quyết định lên hang đá với bà con để tìm hiểu. Trên nền đất của bản cũ, những cán bộ của huyện đi cùng ông Thanh đã nghiên cứu từng mẫu đất và phát hiện vùng đất dân bản đang ở từng là một kho thuốc sâu từ thời chiến tranh.

Cụ Đinh Rầu (một người dân ở đây) kể: “Khi phát hiện đất này có độc, dân bản nghĩ đó là thần rừng phạt vạ, nhiều nhà ôm con bỏ vào hang. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hồng Thanh động viên dân ở lại, tìm đất dựng bản mới. Ấy là địa điểm ở cạnh đường 20 - Quyết Thắng. Đấy cũng là lúc TPHCM tặng luôn 47 căn nhà để bà con A Rem không phải vào hang sống”.

Có nhà cho dân ở, để thuyết phục người A Rem đất bản cũ có thể cải tạo trồng cây, không để đất hoang hóa, Bí thư Nguyễn Hồng Thanh làm việc với xã, hỏi các cụ cao tuổi về vùng đất của người A Rem có cây gì tốt, quý và hiếm. Cả bản nói rằng là cây sưa. Tân Trạch từng là “thủ phủ” sưa của Đông Dương, vậy mà qua năm tháng bị khai thác quá mức khiến ngoài tự nhiên chỉ sót lại rất ít, người đi rừng hiếm khi gặp được.

"Từ đó Bí thư Nguyễn Hồng Thanh cho tìm giống sưa đúng như mô tả, đưa lên dân bản trồng trên nền đất của bản cũ gần con suối Rục Cà Roòng. Sưa lên tốt, đất không bạc màu, dân mừng. Bí thư Nguyễn Hồng Thanh nay đã không còn nhưng dân A Rem thì không hề quên rừng quý từ bàn tay ấy”, cụ Đinh Rầu nói.

Gia tài trăm tỷ

Theo ông Nguyễn Chí Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch: “Việc trồng sưa để sau này đồng bào A Rem thoát đói, vì sưa rất đắt tiền, bán bằng cân, mỗi ký có khi lên vài triệu đồng, nên ở giữa rừng, cây sưa này có giá trị nhất và nó được trồng để tính toán cho sinh kế lâu dài của bà con ở đây”.

Khi sưa lên quá đầu người, xã Tân Trạch lập ban quản lý rừng sưa, cắt cử người canh giữ không để lâm tặc vào cưa trộm. “Tiếp nữa là phân cây cho từng gia đình quản lý, mỗi hộ khoảng chục cây, tùy theo số khẩu mà cây sưa nhiều, ít khác nhau. Khi nhận cây, bà con viết sơn đỏ tên họ lên đó, như: Đinh Dinh, Đinh Đu, Đinh Khinh… Nay, vết sơn đã mờ hết vì sưa phát triển tốt, cao to vạm vỡ, bà con không cần khắc tên lên cây cũng biết cây của nhà nào, vì đặc điểm mỗi cây mỗi khác, cách chăm của từng nhà có đặc tính riêng nên không lẫn vào đâu được”, ông Sĩ đánh giá.

Khi được giao, bà con rất hồ hởi nhận và giữ gìn. “Ngoài chuyện sẽ thoát đói thì nó là cây bản địa thân thuộc sẽ được hồi sinh trong gia tài núi rừng của tổ tiên người A Rem để lại. Cây sưa hồi sinh thì sức khỏe núi rừng dồi dào, bà con yên tâm rừng không mất sưa mà có lại được rừng sưa thuần chủng hơn 8ha. Cả một gia tài quý giá”, cụ Đinh Rầu nói.

Phải thật thân thiết với đồng bào A Rem mới được dẫn lối về bản cũ xem rừng sưa lút mắt trên ngọn Chân To. Những người lạ vào bản hỏi đến rừng sưa bà con đều cảnh giác, phải khi cán bộ xã đề nghị đi, người A Rem mới đồng ý cho diện kiến khu rừng quý hiếm này.

Đinh Đu, một dân bản, kể: “Sưa có 2 loại, sưa vàng và sưa đỏ. Sưa đỏ quý hiếm, đắt gấp 10 lần sưa vàng. Nếu là sưa đỏ ở vùng núi A Rem thì còn đắt hơn cả trăm lần. Mình không biết vì sao đắt, chỉ nghe là cái lõi của sưa đỏ vùng này không nơi nào trồng được nên đắt lắm”. Được dẫn ra khu rừng bí mật ấy mới thấy, bà con đã kỳ công bảo vệ sưa như thế nào. Gần 20 năm rừng sưa thuần chủng lớn lên, nhiều lần lâm tặc dòm ngó, nhưng không mất một cây nào. Nó được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Theo lời của cán bộ xã Tân Trạch, mỗi cây ở đây nếu bán nguyên gốc, không dưới 30 triệu đồng, nhiều cây trị giá cả trăm triệu đồng, còn loại 50 triệu đồng/gốc thì rất nhiều. Tính sơ sơ rừng cây này cũng phải giá trị hơn trăm tỷ đồng.

Người A Rem từ xa xưa không bao giờ chặt bất cứ cây gỗ nào, nhà sàn của họ làm từ tre. Đinh Lầu nói: “Tổ tiên không muốn chặt gỗ rừng nên dạy con cháu không được làm vậy vì cây gỗ lớn là thần hộ mệnh, có làm nhà thì làm bằng tre hoặc trú ngụ hang động. Nay nhà được xây tặng thì dùng gỗ dưới xuôi đưa lên chứ không lấy gỗ trong vùng”.

Chính vì thế mà Ban quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng đã giao cho bà con A Rem bảo vệ 4.000ha rừng vùng lõi di sản. 20 năm được giao bảo vệ rừng, họ coi đấy là máu thịt, họ quý rừng như con chim quý tổ.

Để cho hậu thế

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sĩ nói: “Sưa này trồng càng lâu giá trị càng cao, bây giờ cái đói không còn bủa vây, cái ăn không ngặt nghèo như trước đây thì bà con không bán nữa mà đồng lòng hiệp sức dành rừng sưa thuần chủng này cho tương lai, cho con cháu bảo quản và yêu cầu không được bán bất cứ cây nào”.

Thật ra người A Rem bây giờ chưa giàu có, cái ăn vẫn lo lắng mỗi mùa giáp hạt, nhưng ý chí không bán rừng sưa là từ chính việc yêu thương rừng, vì đó là quê hương xứ sở của họ. Già Đinh Rầu nói: “Mình bán rồi cũng ăn hết, có chút tiền lại uống rượu, đám thanh niên sẽ sinh hư hỏng. Bán đi họ bứng về xuôi, khu rừng lại không còn sưa, lẩn quẩn như vậy thì không có lối ra, giữ rừng sưa thì bền hơn cho con cháu”.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sĩ nói thêm: “Cán bộ xã vạch ra ý tưởng để rừng sưa cho con cháu sẽ bền là vì du lịch đang được phát triển ở đây. Đến một lúc chín muồi, dân bản sẽ tổ chức bán vé tham quan rừng sưa, kết hợp các tuyến du lịch bản địa trong vùng để khách đến trải nghiệm. Phí du lịch sẽ được dân bản phục vụ đời sống, sản xuất. Rừng sưa không mất đi mà ngày càng xanh tốt, to cao hơn, các thế hệ A Rem sinh sau được sống tốt hơn, nên bà con quyết giữ rừng sưa”.

Tin cùng chuyên mục