Hồi sinh vùng cát ven biển

Nhiều năm nay, người dân ven biển huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà đã tiên phong đầu tư phát triển sản xuất, làm “hồi sinh” vùng đất cát hoang hóa bạc màu ven biển thành những mô hình chuyên chăn nuôi gà và rau củ quả sạch nức tiếng ở tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Hồ Xuân Hùng (thôn Phú Hòa) với mô hình nuôi gà trên cát
Ông Hồ Xuân Hùng (thôn Phú Hòa) với mô hình nuôi gà trên cát

Ông Hồ Xuân Hùng (61 tuổi) là một trong số 4 hộ đầu tiên ở thôn Phú Hòa (huyện Cẩm Xuyên) nuôi gà trên cát tự nhiên. Trong vườn của ông, các chuồng trại được xây dựng ngăn nắp và lúc nào cũng có hàng ngàn con gà. Ông Hùng cho biết, với diện tích vườn khoảng 16.000m2, năm 2011, sau khi tìm hiểu một số nơi, ông quyết định nuôi thử nghiệm 200 con gà trên cát. Các năm sau, ông tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cuốn chiếu từ 500-2.000 con gà/lứa, gồm gà lai trọi, cỏ mía, gà vàng. Mỗi lứa nuôi 3 tháng 10 ngày là xuất bán và được thương lái đến tận nhà thu mua. “Nuôi gà trên cát không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít dịch bệnh, thịt săn chắc mà còn dùng phân gà để cải tạo đất trồng các loại rau củ quả”, ông Hùng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hòa, cho biết, hiện nay ở xã Yên Hòa có khoảng 160 hộ dân nuôi gà trên cát số lượng lớn, theo quy trình nuôi cuốn chiếu, tập trung ở 2 thôn ven biển là Phú Hòa và Bắc Hòa. Trong đó, khoảng 70 hộ dân ở thôn Phú Hòa và Bắc Hòa nuôi từ 1.500-3.500 con/lứa (mỗi lứa 3-3,5 tháng). Nuôi gà trên cát cho thu nhập cao hơn và ít vất vả hơn so với trồng lúa, lúc được giá thì bình quân thu về từ 100-200 triệu đồng/hộ/năm. 

“Phú Hòa và Bắc Hòa chủ yếu là đất cát hoang hóa bạc màu nên ngoài nghề đi biển thì nuôi gà trên cát được xem là mũi nhọn phát triển kinh tế của người dân. Nhờ tuân thủ quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, gà đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Hiện nay, địa phương đang hướng đến xây dựng thương hiệu gà Yên Hòa thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), giúp bà con mở rộng quy mô, tìm kiếm đầu ra ổn định, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế bền vững vùng nông thôn”, bà Dương chia sẻ.

Cách xã Yên Hòa khoảng 5km, trên dải cát hoang hóa bạc màu ven biển xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), nhiều năm nay đã được người dân cải tạo, hồi sinh thành vựa sản xuất rau củ quả xanh mướt với đầy đủ các loại. 

Đang làm cỏ trên 2 sào ruộng bí đỏ của mình, ông Phan Trọng Minh (66 tuổi, ở xã Thạch Văn), cho biết, từ năm 2014, gia đình đầu tư, cải tạo đất cát hoang hóa để trồng rau củ quả. Các năm sau đó, ông tiếp tục mở rộng quy mô, với tổng cộng 11 sào, bình quân mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Theo ông Minh, việc sản xuất rau củ quả trên cát gần như quanh năm, đảm bảo sản phẩm sạch, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần và ít vất vả hơn so với trồng lúa. Trong đó, chỉ tính riêng trồng củ cải, năng suất lúc được mùa thu về khoảng 15-20 triệu đồng/sào/lần thu hoạch; 2 sào ruộng bí đỏ thu về khoảng 20 triệu đồng, chưa kể các loại rau củ quả khác.

Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, cho biết, năm 2014 người dân bắt đầu cải tạo, sản xuất rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển theo mô hình liên kết tổ hợp tác và hợp tác xã. Từ năm 2015 trở đi mới cho thu nhập ổn định, sản xuất theo quy trình cuốn chiếu đều đặn quanh năm. Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau củ quả trên cát hơn 13,5ha, có 3 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác, với khoảng 44 hộ dân tham gia. Mô hình này đã thực sự làm “hồi sinh” vùng đất cát hoang, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra sản phẩm ổn định, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/hộ. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ dân và cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế bền vững, cải thiện chất lượng đời sống và vươn lên làm giàu. Do đó, ông Thái kiến nghị chính quyền cấp trên thu hồi một số diện tích đất cát ven biển của các dự án không hiệu quả, đang bỏ hoang trên địa bàn để bàn giao lại cho người dân cải tạo, mở rộng quy mô sản xuất rau củ quả trên cát.

Tin cùng chuyên mục