Hồi sinh “vùng đất chết”

Trở về “vùng đất chết”
Hồi sinh “vùng đất chết”

Ấp Mỹ Khánh B xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi – một trong những ấp văn hóa đầu tiên của TP được phong tặng từ năm 1999. Một sự “đổi đời” ngoạn mục khi cách nay chưa lâu, nơi đây còn là “vùng trắng” của chiến tranh, địa bàn buôn lậu nổi tiếng và là ấp nghèo nhất huyện.

Làng nghề mây tre đã giúp “vùng đất chết” đổi đời. Ảnh: T.HÀ

Làng nghề mây tre đã giúp “vùng đất chết” đổi đời. Ảnh: T.HÀ

Trở về “vùng đất chết”

Về Củ Chi, vùng đất thép thành đồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những dấu tích tàn phá của chiến tranh đã dần lùi xa vào quá khứ, thay vào đó là những giá trị của truyền thống bất khuất và sự đổi đời bằng bài toán kinh tế tri thức.

Ông Trần Văn Ngán, Bí thư chi bộ ấp Mỹ Khánh B mà hàng xóm quen gọi là chú Út Ngán, dẫn chúng tôi đến những cái giếng lạng nằm sát nhau được tạo ra bởi những hố bom của kẻ thù. Ông chiêm nghiệm: “Tôi đã gắn bó với vùng đất này gần hết đời, sinh ra và lớn lên, hoạt động cách mạng rồi xây dựng gia đình, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh trên mảnh đất mà hố bom nhiều hơn đồng ruộng, tôi không nghĩ có ngày hôm nay”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Củ Chi là vùng oanh tạc tự do, là nơi máy bay ném bom của giặc ném hết số bom thừa sau mỗi chuyến bay công kích biến nơi đây thành vùng đất chết. Theo thống kê, cứ mỗi 1m2 đất nơi đây có đến 21 trái bom nằm trong lòng đất.

Hậu quả của chiến tranh để lại sau ngày giải phóng biến Mỹ Khánh B đúng nghĩa là “đất chết”: đất đai nghèo nàn, kinh tế khó khăn, người dân không đủ gạo ăn, trình độ dân trí thấp. Cùng túng quá, người dân chỉ biết làm liều, tâïn dụng điều kiện địa lý tiếp giáp với Long An và Tây Ninh, gần biên giới nên buôn lậu trở thành “nghề” chính.

“Dễ có đến 60%-70% dân ở xã này buôn lậu thuốc lá và nhu yếu phẩm, an ninh trật tự vì thế không ổn định. Tình thế rối ren nhưng phải lựa chọn giữa cái đói thì người ta chịu làm quấy vì nó là nghề dễ kiếm sống nhất lúc đó”, ông Nguyễn Văn Nượng, Trưởng ấp Mỹ Khánh B nhớ lại.

Thế nhưng, vượt qua giai đoạn khó khăn của quá khứ, ấp Mỹ Khánh B đã vươn lên xây dựng kinh tế mới và chinh phục tri thức.

Tiếng kẻng đổi đời

Những chén bo bo, khoai mì khô khan trong từng bữa ăn đã giúp người dân nơi đây nhận ra rằng chỉ có sự học và làm ăn chân chính mới sớm thoát nghèo.

Cũng mảnh đất ấy, trên những con đường ruộng lầy lội và ngọn đèn dầu le lói, người dân đồng lòng xóa mù chữ bằng chiến dịch “tiếng kẻng” và được đưa hẳn vào nghị quyết của Đảng bộ. Sau giờ cơm tối, cả làng đánh hồi kẻng, cầm đuốc đến từng nhà kêu gọi đến giờ học bài. Nhiều giáo viên tình nguyện hàng đêm đến nhà học sinh dạy học. Mỗi gia đình phải dành cho con em một góc học tập.

Ông Hai Nượng kể: “Bây biết không, học trò ở đây nghèo lắm nên nhiều đứa bỏ học giữa chừng, chánh quyền giao cho từng cán bộ ấp, cựu chiến binh phụ trách kèm cặp một học sinh học phổ cập. Đến giờ học, mỗi người phải đưa học sinh đến lớp rồi canh rước về. Tụi nhỏ có muốn nghỉ học cũng không xong”. Nghe những câu chuyện từ những bác trưởng ấp, vị lão làng mới thấy rằng, đằng sau trách nhiệm với con em còn có một khát vọng vươn lên, chinh phục con chữ vô cùng mạnh mẽ.

Khi phong trào khuyến học, khuyến tài đã ăn sâu vào nếp nghĩ, chính quyền và nhân dân lại gom góp, dành dụm tiền xây dựng nhà truyền thống tuyên dương 3 thế hệ: anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng và những người con ăn học thành tài. Nơi đây lưu giữ những giá trị tinh túy nhất của địa phương, làm nên phong trào thi đua học giỏi.

Nhìn vào bảng vàng truyền thống ngày một nhiều gương mặt trẻ để thấy sự đổi thay của vùng đất nghèo nàn ít chữ Mỹ Khánh B trở thành “đất học” với nhiều gia đình có 5 -10 người tốt nghiệp đại học, cao học, nhiều kỹ sư, bác sĩ…

Như một câu chuyện lạ giữa đời thường khiến người ta bất ngờ, sự đổi thay của Mỹ Khánh B dễ làm người ta khâm phục. Xuất phát thấp về mọi mặt, là một trong những ấp nghèo nhất, dân trí thấp nhất trong những năm 1980, nay đã vươn lên mạnh mẽ.

Ấp Mỹ Khánh B thuộc xã Thái Mỹ đã 2 lần đạt danh hiệu Anh hùng do Chủ tịch nước phong tặng đợt đầu tiên: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Chỉ sau 34 năm giải phóng, Mỹ Khánh B đã “lột xác” khỏi địa danh “vùng đất chết” bằng trí tuệ và sự cần cù.

Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục