Chủ tịch nước Lương Cường: Chủ đề Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 phản ảnh khát vọng và tầm nhìn của thời đại

Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, ý nghĩa của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại TPHCM càng trở nên sâu sắc, ngay sau khi Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - một biểu tượng sống động của khát vọng hòa bình, hòa hiếu, của hành trình dân tộc Việt Nam vượt qua chia cắt, hận thù, gác lại quá khứ, hướng tới một tương lai đoàn kết, hòa hợp, tốt đẹp và thịnh vượng.

Sáng 6-5, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” chính thức khai mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM).

Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”

Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Lương Cường nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các chính phủ, các tổ chức quốc tế và đông đảo quý chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên toàn thế giới; cùng quý vị đại biểu, đồng bào, tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

IMG_3051.jpeg
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhấn mạnh sự hiện diện của quý vị là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết, từ bi và hòa hợp - những giá trị cốt lõi mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại, Chủ tịch nước trân trọng chào đón và chúc các quý vị sức khỏe, có một mùa Vesak an lạc trong ánh từ quang của Đức Phật và niềm tin vào một tương lai tươi sáng hòa bình, hạnh phúc cho toàn thể nhân loại; chúc Đại lễ Vesak 2025, lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Đức Phật ra đời cách đây hơn 2.600 năm, những giá trị cốt lõi của giáo lý Từ bi - Trí tuệ mà Ngài truyền dạy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa với nhân loại hôm nay. Tinh thần từ bi, khoan dung, độ lượng, vị tha và sẻ chia mà Đức Phật khai thị đã, đang và sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng trong hành trình kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc và phát triển bền vững.

b251084942a9f0f7a9b8.jpg
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng đại biểu dự Đại lễ Liên hợp quốc Vesak 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại lễ Vesak - ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn - sự kiện đặc biệt này không chỉ có ý nghĩa đối với hàng triệu tín đồ Phật tử trên toàn thế giới, mà còn là dịp để mọi người cùng chiêm bái và lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật: Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình.

Ở Việt Nam, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào phật tử và người dân có tình cảm với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam.

Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề Đại Lễ Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững".

Đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng,...

IMG_3058.jpeg
Chủ tịch nước Lương Cường và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng đại biểu dự Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước khẳng định, Đại lễ Vesak 2025 rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa long trọng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. “Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và đã góp phần hun đúc bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

4fc40b4452a6e0f8b9b7.jpg
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng đại biểu dự Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống đó, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn tăng ni, phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân, như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

“Những hành động đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững ở Việt Nam, giúp cho đạo và đời hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

b474cc32fdd34f8d16c2-1.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường và Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của MTTQ Việt Nam, đại diện cho tăng ni, phật tử cả nước, đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn tín đồ tu hành, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak 2025, cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cùng nhau xây dựng thế giới "hòa bình an lạc"

Đề cập đến tình hình thế giới hiện nay và những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, Chủ tịch nước nhìn nhận, song đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, đói nghèo và những hệ lụy của thiên tai, dịch bệnh toàn cầu.

977ad9dd963f24617d2e.jpg
Đại biểu dự Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Siêu bão Yagi mà Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực phải gánh chịu, hay động đất ở Myanmar, Thái Lan vừa qua, một lần nữa cảnh báo mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của thế giới.

“Những thách thức ấy kêu gọi chúng ta càng cần tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, chung tay cùng hành động, nỗ lực vì một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và vì phẩm giá con người”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ đề của Đại lễ Vesak 2025 đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên hợp quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Phát huy tinh thần khoan dung, hòa hợp, nhân ái và từ bi mà đức Phật đã trao truyền, để cùng nhau xây dựng thế giới "hòa bình an lạc".

Chủ tịch nước khẳng định, đây là nền tảng vững chắc để vươn tới sự ổn định trong xã hội, tìm lại bình yên giữa thiên nhiên, môi trường sống. Chủ đề Đại lễ Vesak 2025 cũng phản ảnh khát vọng và tầm nhìn của thời đại, khi liên kết các giá trị Phật giáo với các sáng kiến toàn cầu như mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

"Ý nghĩa của Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức tại TPHCM càng trở nên sâu sắc, ngay sau khi Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - một biểu tượng sống động của khát vọng hòa bình, hòa hiếu, của hành trình dân tộc Việt Nam vượt qua chia cắt, hận thù, gác lại quá khứ, hướng tới một tương lai đoàn kết, hòa hợp, tốt đẹp và thịnh vượng", Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh.

Với vai trò là nước chủ nhà, Chủ tịch nước Lương Cường mong và tin rằng Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp. Các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung theo chủ đề của Đại lễ Vesak 2025.

460ebce6f9064b581217.jpg
Đại biểu dự Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng thời, có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Thông qua trí tuệ Phật giáo để xây dựng tương lai thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững hơn... Đức phật dạy, hòa bình thật sự đến từ nội tâm thanh tịnh. Vì vậy, chỉ có vun đắp hòa bình thông qua sự chuyển hóa niềm tin của từng cá nhân, từ đó dẫn đến chuyển hóa niềm tin trong toàn xã hội.

Chủ tịch nước đề nghị, chúng ta cần đưa tâm Từ bi vào chính sách, mang Trí tuệ vào định hướng phát triển và đề cao Tinh thần Vô ngã - Vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng.

>> Dưới đây là những hình ảnh đại biểu về dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025:

IMG_3058.jpeg
9cc9ef62e8805ade0391.jpg
ef4d0f003de28fbcd6f3.jpg
DSC_3059.jpeg
DSC_3063.jpeg
DSC_3092.jpeg
DSC_3089.jpeg
22a030cf042db673ef3c.jpg
f2d3efc1c723757d2c32.jpg
IMG_3052.jpeg
IMG_3053.jpeg
b3dbcc77f79645c81c87.jpg
940de8a0d741651f3c50.jpg

Tin cùng chuyên mục