LTS: Ngày 22-12, tại Phú Yên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên và Báo SGGP tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp về lý luận và thực tiễn để có cơ sở đánh giá toàn diện việc ban hành và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngư dân trong phát triển kinh tế biển, làm tiền đề thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Đào Tấn Lộc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT; ông Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên TPHCM, Tổng Biên tập Báo SGGP. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, ngư dân…
Ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường
“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Trong cả lý luận và thực tiễn, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, nhiều nguồn lực đã được ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, trong đó có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, các giải pháp hỗ trợ ngư dân được đánh giá là chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế biển của đất nước”, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Giàu nêu bật vai trò của kinh tế biển và những vấn đề cần thảo luận, kiến nghị giải pháp để tháo gỡ nhằm nâng cao đời sống ngư dân, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo thống kê của TS Phạm Hồng Mạnh (Trường ĐH Nha Trang), từ năm 2008 đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã ban hành gần 20 chính sách hỗ trợ ngư dân. Có thể thấy rằng, hầu hết những văn bản quy phạm pháp luật này của các cơ quan quản lý nhà nước đều nhắm đến các vấn đề chính trong tổ chức sản xuất của ngành thủy sản, đặc biệt là giải quyết các vấn đề đầu vào cho hoạt động sản xuất, như: hỗ trợ tín dụng để khuyến khích cải hoán và đóng mới tàu cá của ngư dân đối với công suất lớn phục vụ khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ chi phí xăng, dầu trong quá trình khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ phát triển và duy trì cung ứng dịch vụ viễn thông công ích cho ngư dân; xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu neo đậu tàu thuyền, khu tránh trú bão đối với tàu thuyền; khuyến khích việc thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để giúp đỡ lẫn nhau khắc phục rủi ro trên biển; miễn thuế môn bài cho hộ đánh bắt hải sản; hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân… Nhìn chung, các chính sách được ban hành đều phát huy tác dụng ở mức độ hiệu quả khác nhau.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta có chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), còn trong lĩnh vực thủy sản, vấn đề ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường rất quan trọng, cần phải xây dựng một chính sách đặc thù để ngư dân vươn khơi bám biển”. Ý kiến của ông Nguyễn Chu Hồi nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Văn Giàu: “Quan điểm về vấn đề tam ngư rất mới. Sắp tới, chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội về vấn đề này”.
“Nông thôn mới” cho ngư dân
Ngư dân là lực lượng quan trọng, cơ bản để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế biển. Để xác định nhu cầu của ngư dân trong phát triển kinh tế biển trước hết cần đánh giá thực trạng những khó khăn, trở ngại trong hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, qua đó xây dựng, bổ sung hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống vật chất của các hộ ngư dân, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ vững chắc vùng biển đảo Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam, ngư dân cơ bản là đối tượng nghèo, thu nhập thấp, lao động trong ngành nghề vất vả, gian khổ, nguy hiểm và gánh chịu nhiều rủi ro; phương tiện tàu thuyền khai thác đánh bắt hải sản của ngư dân nhìn chung cũ nát, lạc hậu, chưa đáp ứng được hoạt động đánh bắt xa bờ; ngư dân thiếu trang bị thông tin liên lạc; trình độ ngư dân còn thấp, chưa qua đào tạo nghề. Theo đó, trình độ của ngư dân đi biển khoảng 8,4% mù chữ, trên 50% mới tốt nghiệp tiểu học. Từ bao đời nay, nghề đi biển vẫn là “cha truyền con nối”.
“Ngư dân phần lớn học hỏi bằng kinh nghiệm truyền thống của người đi trước và những trải nghiệm của bản thân trong những tháng ngày lênh đênh trên biển là chính, ít có kiến thức và kỹ năng bài bản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác đào tạo nghề cho ngư dân ngày càng trở nên cần thiết”, ông Nguyễn Duy Lượng nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Duy Lượng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ mang đến hội thảo nhiều trăn trở về cơ hội, chất lượng sống và khả năng phát triển kinh tế biển của ngư dân trong bối cảnh hội nhập. Theo ông Lê Huy Ngọ: “Ngư nghiệp và ngư dân là câu chuyện ít được nói đến. Với ngư dân, những vấn đề cấp bách của cuộc sống, cần phải hỗ trợ thì phải làm, nhưng những vấn đề có tính chiến lược, như xây dựng khu công nghiệp nghề cá, bao gồm cả đánh bắt, hậu cần, cơ sở xã hội là phải tính đến”.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã “làm nóng” hội trường khi đặt vấn đề thẳng thắn: “Tại hội thảo lần này, tôi mong sẽ rút ra được một số điểm có thể trở thành chính sách, nhất là giải đáp được vấn đề tín dụng. Tôi cũng kiến nghị đến hội thảo, nên thành lập trung tâm hải sản quốc gia tại miền Trung, để giải quyết các khâu từ đánh bắt, chế biến, thị trường”.
Phản hồi ngay sau ý kiến của TS Trần Du Lịch, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT, cho biết: “Toàn quốc sẽ quy hoạch 5 trung tâm nghề cá lớn ở 5 vùng ngư trường trọng điểm. Đó là Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu và Kiên Giang. Ngoài ra, sẽ có thêm trung tâm vùng nuôi của ĐBSCL đặt tại Cần Thơ. Các trung tâm này sẽ gắn kết từ khâu đánh bắt, chế biến đến tiêu thụ, hỗ trợ đào tạo ngư dân…”. Sau khi nghe Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu, TS Trần Du Lịch cũng chưa thỏa mãn. “Tôi đề nghị làm trước một trung tâm ở miền Trung, chọn cá ngừ đại dương là sản phẩm chủ lực”, TS Trần Du Lịch kiến nghị.
Diễn ra trọn ngày chủ nhật, với gần 250 đại biểu đến dự, vượt xa số lượng dự kiến ban đầu của ban tổ chức, trong đó có cả những ngư dân lặn lội từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), theo ông Nguyễn Văn Giàu, hội thảo thành công ngoài mong đợi. Rất nhiều nhóm vấn đề đặt ra từ hội thảo này như: Nâng cao đời sống ngư dân, an toàn trên biển, những vấn đề khác như quy hoạch, thông tin thời tiết, quy mô phát triển; các chính sách cụ thể về cơ sở hạ tầng: hậu cần trên biển, cho vay vốn, hiện đại hóa đội tàu, chế biến, mô hình sản xuất và quản lý sẽ được ban tổ chức tổng hợp đầy đủ để các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng chính sách cho ngư dân!
| |
TRẦN MINH TRƯỜNG
| |