(SGGPO).- Ngày 16-5, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – Cơ quan đại diện Tạp chí Văn thư lưu trữ Việt Nam tại TPHCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Đọc báo cáo đề dẫn, PGS-TS Hà Minh Hồng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết: hội thảo nhằm khẳng định những công lao to lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước; làm rõ tư tưởng và ý chí của lãnh tụ Hồ Chí Minh tiêu biểu cho ý chí khát vọng của nhân dân Việt Nam về độc lập dân tộc và hòa bình thống nhất; làm rõ thắng lợi của quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc ngày 30-4-1975. Đồng thời, hội thảo cũng làm rõ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước trong 40 năm qua.
Quang cảnh buổi hội thảo
Đại tá Trần Thanh Tâm, Chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân trình bày tham luận đầu tiên tại hội thảo với chủ đề “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Dấu ấn tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào miền Nam trong cuộc trường chinh giữ nước”. Theo đó, vào ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 – Quân chủng Hải quân ngày nay). Đường vận chuyển chiến lược trên biển được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo và tài thao lược trong chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội ta. Những giá trị lịch sử của Đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với miền Nam.
Với tham luận “Biến đau thương thành hành động cách mạng”, TS Hoàng Văn Lễ (nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) nêu những sự kiện tiêu biểu, tấm lòng của người dân miền Nam trong ngày Bác mất. Với lòng tiếc thương Người, đồng bào, chiến sĩ cả nước biến đau thương thành sức mạnh, quyết thực hiện Di chúc của Bác Hồ: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. TS Hoàng Văn Lễ cho rằng, chân dung, hình tượng của Bác luôn là tấm gương soi cho mỗi một người dân có tấm lòng vì nước quên thân. Đấu tranh với yếu kém, thiếu sót thì thực tế giai đoạn nào cũng có và chế độ nào cũng có. Vấn đề là chúng ta nhìn ra chân lý và thực tế từ phương pháp luận đúng đắn như Bác đã làm thành công, từ đó đưa đất nước ta tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Cương lĩnh của Đảng ta đã nêu.
|
ÁI CHÂN