Hội thảo khoa học “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay”

Ngày 15-4, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay” nhân kỷ niệm 290 năm thành lập Long Hồ dinh, 190 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long.

Hội thảo đã thu hút 86 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương.

Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Long Hồ dinh là vùng đất được lịch sử ghi nhận qua quá trình Nam tiến của các chúa Nguyễn và lưu dân người Việt vào khai hoang, lập làng. Tháng 4 năm Nhâm Tý (1732), vị chúa đời thứ 7 của triều Nguyễn - Nguyễn Phúc Trú đã chính thức thiết lập đơn vị hành chính mới là châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, thuộc phủ Gia Định.

Hội thảo khoa học “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay” ảnh 1 Quang cảnh hội thảo khoa học

Trải qua các thời kỳ lịch sử, kể từ khi dinh Long Hồ được thành lập, qua nhiều lần di dời, thay đổi địa giới hành chính và tên gọi. Đến năm 1832 danh xưng tỉnh Vĩnh Long chính thức ra đời với vai trò là đơn vị hành chính - một trong sáu tỉnh của Nam kỳ. Sau đó, vùng đất này có 3 lần sáp nhập, chia cắt địa giới hành chính, với tên gọi khác nhau, như: tỉnh Vĩnh Trà, tỉnh Cửu Long và đến năm 1992 tỉnh Vĩnh Long được tái lập cho đến ngày nay.

Hội thảo khoa học “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay” ảnh 2 Di tích Cửa hữu thành Long Hồ

Qua 190 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Long đã xây đắp, gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa, hun đúc nên truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất trong đấu tranh cách mạng; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, phấn đấu vươn lên...

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, từ nội dung qua các bài viết tham gia hội thảo có thể khẳng định: “Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Long Hồ dinh là một xu hướng tất yếu, một tiến trình phù hợp với quy luật của lịch sử... Về sau, do nhu cầu kinh tế và một số lý do khác, dần dần những lưu dân người Việt, người Hoa, Chăm, Khmer... đã đến khai thác, định cư và sinh sống ở vùng đất này ngày càng nhiều; biến một miền đất hoang vu thành những xóm làng với những hoạt động sản xuất, buôn bán, sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng nhộn nhịp...”.                                                                   

Tin cùng chuyên mục