Hội thảo "Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn" - Bài 2: Định hướng các giải pháp lớn

Trong bối cảnh mới, nông nghiệp, nông thôn (NNNT) cần một cuộc thay đổi toàn diện với những quyết sách đúng tầm là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước – điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa X. Tại hội thảo”Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn”, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá các nhóm giải pháp để tìm hướng tiếp cận chính xác, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển NNNT trong thời gian tới.
Hội thảo "Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn" - Bài 2: Định hướng các giải pháp lớn

Trong bối cảnh mới, nông nghiệp, nông thôn (NNNT) cần một cuộc thay đổi toàn diện với những quyết sách đúng tầm là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước – điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa X. Tại hội thảo”Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn”, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá các nhóm giải pháp để tìm hướng tiếp cận chính xác, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển NNNT trong thời gian tới.

  • Phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt lẫn lâu dài là mục tiêu tổng quát đến năm 2020 của ngành nông nghiệp. Để làm được điều này, theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện KT-XH Hà Nội), cần 2 động thái quan trọng là đồng bộ và đột phá. Như vậy, đồng bộ chính sách phải được hiểu như thế nào? Đó là các chính sách phải cùng lúc, đồng thời, nhất quán và phải có sự đột phá mạnh mẽ về nhận thức, đột phá về mô hình nông nghiệp nông thôn và đột phá về quy hoạch. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, để có bước đột phá trên, chúng ta phải nhận thức lại nhiều vấn đề, bao gồm chính sách đất đai, chính sách tín dụng nông thôn lao động nông thôn và mô hình, phương pháp canh tác.

Chính sách đất đai luôn là câu chuyện lớn, vì nó liên quan mật thiết đến nông dân. Tại hội thảo cũng đã có ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Trong khi một số đại biểu kiến nghị đẩy mạnh quá trình dồn điền đổi thửa thì một số đại biểu khác lại đề xuất xây dựng khung pháp lý cho việc thuê đất. Đất đai manh mún, hạn điền như hiện nay rất khó sản xuất lớn. Cũng có tâm lý lo ngại chuyện nông dân mất đất sẽ khó ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, từ thực tiễn sinh động của mình, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ khẳng định rằng đừng nghĩ nông dân mất đất là đói. Nông dân vẫn có thể thuê đất sản xuất hoặc làm việc ở khu vực phi nông nghiệp. TS Trần Du Lịch đưa ra kinh nghiệm ở Bắc Âu: Các điền chủ thuê đất của nông dân, nông dân vẫn là chủ mảnh đất của họ. Ông đề xuất: Có thể phát triển theo mô hình HTX với nhiều chính sách ưu đãi, giao cho những người có năng lực sản xuất làm chủ để đủ sức khai thác đất đai. Kinh nghiệm từ huyện Thoại Sơn của An Giang cho thấy quá trình tích tụ ruộng đất đã hình thành cách nay khá lâu với nhiều nét mới. UBND huyện Thoại Sơn đã tính đến chuyện thí điểm cho người có diện tích đất sản xuất lớn thuê những mảnh ruộng nhỏ kế bên để tạo ô ruộng lớn. Đất đai vẫn là của người cho thuê, được chính quyền đứng ra đảm bảo. Ngoài ra, người cho thuê đất có thể làm thuê cho ông chủ lớn của mình. Điều này góp phần vào quá trình “ly nông bất ly hương”. Tạm khép lại phần tranh luận về chính sách đất đai, các đại biểu đồng kiến nghị phải xem đất đai là hàng hóa, trong nguồn vốn đầu tư cho kinh doanh và phải tiếp tục tạo ra khung pháp lý thống nhất cho quá trình dồn điền đổi thửa, khắc phục xu hướng xé nhỏ và cô lập các mảnh ruộng; cũng như ngăn chặn xu hướng bê tông hóa các “bờ xôi, ruộng mật” - để tổ chức kinh doanh nông nghiệp theo phương thức công nghiệp, thâm canh và sinh thái, làm ra ngày càng nhiều sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: DUY BẰNG

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: DUY BẰNG

  • Giảm tối đa tổn thất

Làm sao quy trình sản xuất nông nghiệp phải giống như sản xuất công nghiệp, làm sao sản xuất 1 triệu trái xoài giống như sản xuất 1 triệu chiếc bút bi, chất lượng đồng đều là bài toán không hề đơn giản. Đăng ký nhiều lần, rất tâm huyết, kỹ sư Nguyễn Thể Hà (Công ty Bùi Văn Ngọ) mới được phát biểu vì số lượng đại biểu đăng ký phát biểu quá nhiều, trong khi thời gian có hạn. Kỹ sư Hà đã trình bày phương án giảm tổn thất sau thu hoạch lúa bằng nhiều biện pháp. Cụ thể là tổ chức xây dựng công ty cổ phần nông nghiệp với quy trình sản xuất khép kín để giảm thiểu tối đa các tổn thất. Trên bàn chủ tọa, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã… cầm micrô trực tiếp đối thoại với kỹ sư Hà. Thống đốc đề nghị ngành nông nghiệp lưu tâm phương án sản xuất này và báo cáo ngay cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT biết.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, nông nghiệp không chỉ có cây lúa. Giải pháp cho giống cây trồng, giống vật nuôi trong thời gian tới cần phải được triển khai quyết liệt bằng đầu tư cho khoa học công nghệ, cho nghiên cứu và đào tạo nông dân để đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Song song đó, gắn kết với quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, cần phải triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Thông qua việc đầu tư mở rộng năng lực sản xuất của các ngành cơ khí, hóa chất, phân bón...; nghiên cứu thiết kế chế tạo ra các loại máy móc, thiết bị phục vụ canh tác, phục vụ thu hoạch... nhằm từng bước phát triển ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, cần quy hoạch sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương, tạo cơ sở đưa công nghiệp về nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản.

  • Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, nông dân đóng vai trò trung tâm là mục tiêu đã được Nghị quyết trung ương 7, khóa X đề cập. Cụ thể hóa mục tiêu này, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng 9 quy hoạch và 28 đề án chuyên ngành nhằm giải quyết hầu hết những khó khăn, vướng mắc hiện nay của khu vực nông thôn.

Để phát triển nông thôn, nguồn vốn cho khu vực này rất quan trọng. Chỉ tính riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trung bình mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới cần đầu tư từ 120 đến 150 tỷ đồng. Đó là chưa kể vốn cho sản xuất kinh doanh.

Theo ông Phạm Thanh Tân, Tổng giám đốc Agribank, ngân hàng này sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý; ưu tiên vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trước hết là các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm tỷ lệ dư nợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm trên 70%/tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hộ gia đình chiếm khoảng 55% và mức dư nợ bình quân/hộ tăng dần từ 30 - 50 triệu đồng theo các năm.

Trong khi đó, Vietinbank cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường nông thôn với nguồn vốn hơn 35 ngàn tỷ đồng; Ngân hàng Liên Việt đang đẩy mạnh triển khai đề án “Đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL trong năm 2010 và định hướng đến năm 2013” với chính sách cho nông dân vay khá thông thoáng.

Bên cạnh nguồn vốn sản xuất, nhiều chính sách mới về liên kết, hợp tác cũng đã được các đại biểu tham luận tại hội thảo. Theo ông Trần Hữu Hiệp (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ), thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng với Trường ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh, thành trong vùng xây dựng chương trình với 5 dự án sản xuất và tiêu thụ: (1) Lúa gạo (2) Cây ăn trái (3) Thủy sản: tôm, cá tra (4) Đào tạo nghề cho nông dân trong 3 lĩnh vực trên (5) Cơ chế, chính sách để phát triển các sản phẩm chủ lực này và đào tạo nghề cho nông dân ĐBSCL. Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương và khuyến khích việc liên kết vùng ĐBSCL trong việc triển khai các chương trình, đề án liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo dõi thông tin trên báo chí về hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Phố Chợ đã cố gắng đến dự với mong muốn đóng góp loại hình dịch vụ công, mạnh dạn tìm sự ủng hộ từ các bộ, ngành. Bà Hà đã thuyết trình trước hội thảo về mô hình sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm do Công ty Phố Chợ sáng lập phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cung và cầu; tổ chức, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ phục vụ các nhu cầu sản xuất, kinh doanh bền vững, là cơ sở trong tiến trình phát triển các sở giao dịch hàng hóa. Đây là một trong những nét mới của nhóm giải pháp về thị trường nông sản mà các đại biểu tham dự hội thảo rất quan tâm.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Phát biểu kết luận, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng hội thảo rất thành công, có thành phần tham dự đông đảo. Tại hội thảo, các vấn đề lớn, đang diễn ra trong cuộc sống đã được các nhà khoa học tổng kết, thông tin cho hội thảo. Theo Thống đốc, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, bởi nước ta là nước nông nghiệp, trên 70% dân số sống ở nông thôn, việc làm, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, đòi hỏi phải có đủ thời gian và nguồn lực mới giải quyết được. Kinh nghiệm về phát triển nông thôn ở Việt Nam còn hạn chế cả về phương pháp, cách tiếp cận và huy động nguồn lực. Vì vậy, để triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế NNNT, Ban Tổ chức hội thảo sẽ tổng kết, kiến nghị những nhóm giải pháp lớn với Đảng, Chính phủ, đồng thời sẽ tiếp tục bám sát những vấn đề mà hội thảo đặt ra, nhằm đưa NNNT phát triển bền vững.

>> Bài 1: Yêu cầu bức bách từ thực tiễn

Tin cùng chuyên mục