Hôm nay, 6-11, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xét xử tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn

(SGGPO).- Ngày 5-11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã tổ chức họp báo về Quyết định việc kháng nghị tái thẩm bản án hình sự phúc thẩm về tội “Giết người” đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và Quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Hôm nay, 6-11, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xét xử tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn

(SGGPO).- Ngày 5-11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã tổ chức họp báo về Quyết định việc kháng nghị tái thẩm bản án hình sự phúc thẩm về tội “Giết người” đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và Quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.

Tại buổi họp báo, trước một số câu hỏi của báo chí về việc bồi thường thiệt hại và việc xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân đã để ông Chấn phải ngồi tù oan suốt 10 năm qua, ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh văn phòng VKSNDTC cho biết: Đây chưa phải là bản án cuối cùng, VKSNDTC mới kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thành án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn nên trước mắt vấn đề bồi thường và làm rõ trách nhiệm cá nhân sẽ chưa được đặt ra. Tuy nhiên tới đây, sau khi Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tiến hành xét xử và ra phán quyết cụ thể đối với vụ án này làm rõ ông Chấn có bị kết án oan sai hay không thì lúc đó vấn đề bồi thường và xử lý trách nhiệm của những cá nhân liên quan sẽ được tính đến. VKSNDTC cũng sẽ xem xét điều tra, làm rõ các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, liên quan đến vụ án trên.

Ông Nguyễn Việt Hùng cũng chia sẻ: Không ai muốn làm sai cho Nguyễn Thanh Chấn. Sai sót là khách quan. Không ai muốn sai, nhưng đã xảy ra thì phải khắc phục, rút kinh nghiệm để lỗi này không xảy ra nữa. Vụ án này là một bài học cụ thể mà chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận và rút kinh nghiệm…

Ông Chấn xúc động khi được trở về với gia đình sau 10 năm ngồi tù oan

Ông Chấn xúc động khi được trở về với gia đình sau 10 năm ngồi tù oan

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ (vụ 3) cho biết, hiện tại vụ án vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Việc VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án phúc thẩm chỉ là mở đầu để mở ra giai đoạn tố tụng mới. Chưa thể khẳng định, ông Chấn bị oan sai, hay hung thủ gây ra án mạng giết người rồi cướp tài sản là đối tượng Lý Nguyễn Chung (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang). Mọi việc trước mắt còn phải chờ Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao quyết định.

Trước câu hỏi về lý do tại sao trong suốt 10 năm qua, ông Chấn mới được xem xét kháng nghị tái thẩm, tạm đình chỉ thi hành án, bà Yến cho biết: Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực vào năm 2004, VKSNDTC có nhận được đơn kêu oan của ông Chấn từ trại giam. Ngay sau đó, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn tiếp nhận vụ việc và xử lý theo đúng quy trình. Tại thời điểm đó, bản án phúc thẩm bị hủy để xét xử lại từ đầu, với nội dung bồi thường dân sự trong vụ án giết người ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cho đến tháng 3-2005, việc xét xử về vấn đề bồi thường dân sự đối với ông Chấn mới hoàn thiện. Tuy nhiên đáng lưu ý, từ năm 2006 đến nay, ông Chấn tiếp tục có một số đơn kêu oan nhưng lại được gửi tới một số cơ quan chức năng khác nên khi đơn được chuyển tới VKSNDTC thì đã có phần chậm trễ.

Để làm rõ hơn về việc vì sao ông Chấn phải ngồi tù suốt 10 năm trời và quá trình điều tra làm rõ thủ phạm của vụ án, ông Nguyễn Đăng Khoa, Cục trưởng Cục điều tra của VKSNDTC, Thủ trưởng cơ quan điều tra cho biết: Ngày 5-7-2013, chị Nguyễn Thị Chiến vợ ông Chấn mới có đơn kêu oan gửi Cơ quan điều tra của VKSNDTC, ngay sau khi nhận đơn, cơ quan điều tra đã tiến hành thụ lý và cử 3 đoàn công tác tới Bắc Giang, Đắc Lắc và Gia Lai nhằm xác minh xem hung thủ thực sự của vụ án có phải là đối tượng Lý Nguyễn Chung. Trong gần 2 tháng lần mò, tìm kiếm, gặp gỡ xác minh nhiều đầu mối và động viên, thuyết phục người nhà của Chung, đặc biệt trong thời gian này Chung liên tục thay đổi chỗ ở và sử dụng tới gần 100 sim điện thoại thì cho tới ngày 25-10-2013, Chung đã ra đầu thú. Sau đó, Chung đã khai nhận nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) vào tối ngày 15-8-2003 để cướp tài sản.

Hiện nay, VKSNDTC đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giết người” và “Cướp tài sản” xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang theo quy định tại Điều 93 và 133 Bộ luật Hình sự; Đồng thời quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Lý Nguyễn Chung (sinh năm 1988 tại xã Nhượng Bạn, Lộc Bình Lạng Sơn, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn Đoàn Kết, xã EaKa Mút, huyện EaKar, tỉnh Đắc Lắc) về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Cùng với đó, Cơ quan điều tra VKSNDTC cũng ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (SN 1950, bố đẻ của Chung) về hành vi đe dọa giết bà Nguyễn Thị Lành (nhân chứng của vụ án) theo quy định tại điều 103 Bộ luật hình sự và quyết định tạm giữ Lý Văn Chúc.

Trước đó, như báo SGGP đã phản ánh, vào tối 15-8-2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong. Sau vụ án trên, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người, tiếp đó tới ngày 29-9-2003 đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh Giết người. Sau đó, cơ quan điều tra đã ra bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ngày 10-2-2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra bản Cáo trạng – quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Đến ngày 26-3-2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Cho tới ngày 26 và 27-7-2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.

Trong quá trình ở trại giam để thực hiện bản án phúc thẩm, phạm nhân Chấn tiếp tục có một số lần kêu oan. Cùng với đó, bà Chiến (vợ của phạm nhân Chấn) cũng có đơn kêu oan cho chồng, với nội dung đơn cho rằng thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15-8-2003 là Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chứ không phải là ông Chấn.

Trước việc phạm nhân Chấn và gia đình có nhiều lần kêu oan, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, TAND tối cao khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra tự thú. Vì thế, ngày 25-10-2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15-8-2003 để cướp tài sản.

Trước đó sáng 4-11-2013, tại Trại giam Vĩnh Quang thuộc Tổng cục VIII, Bộ công an (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), VKSNDTC đã công bố Quyết định về việc kháng nghị tái thẩm bản án hình sự phúc thẩm về tội “Giết người” đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đồng thời, VKSNDTC cũng công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn. Ngay sau đó, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do.

Được biết, theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDTC, Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án. Do dó,  vào ngày mai 6-11, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ xét xử tái thẩm vụ án này.

NGUYỄN QUỐC


  • Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai

Ngày 5-11, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trả lời báo chí về việc phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn được tạm đình chỉ thi hành án để chờ xét xử theo thủ tục tái thẩm. Bộ trưởng Trần Đại Quang nhận định:

Tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết và đúng đắn. Quá trình điều tra xét xử đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”, mỗi chứng cứ đều phải được điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm với tinh thần trách nhiệm xem xét, kiểm tra, đánh giá; đảm bảo khách quan, toàn diện về tất cả các tình tiết của vụ án theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, kể cả ở giai đoạn thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện KSND và TAND có trách nhiệm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm, nhất là oan sai.

Quy định của pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta rất chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể; cho nên để xảy ra oan sai thì đó là điều rất đáng tiếc. Sắp tới, vụ việc liên quan đến phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn, TAND Tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực theo trình tự tái thẩm. Nếu tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp; bồi thường nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra, xử lý nghiêm người phạm tội. Phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan sai; xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật. Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra của bộ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các tình tiết có liên quan đến vụ án để đảm bảo xử lý đúng pháp luật.

ANH THƯ ghi


  • Đại biểu Dương Trung Quốc: Án sai làm giảm sút vai trò của pháp luật

Lẽ ra thông thường, cơ quan điều tra phải là người góp phần quan trọng trong điều tra, tìm ra hung thủ. Ở vụ án của ông Chấn, tôi không biết hung thủ ra đầu thú có phải hoàn toàn tự giác không hay họ chịu áp lực của gia đình, xã hội, hay chính gia đình người bị kết án tự giải oan cho mình. Hiện trạng “tự xử” như thế cũng giống như những hiện trạng khác, đó là sự giảm sút của vai trò pháp luật và họ phải tự làm.

Hiến pháp chỉ đưa ra những vấn đề cơ bản, còn trong vấn đề cụ thể quy định bằng luật như Bộ luật Hình sự, các quy trình tố tụng ra sao phải thay đổi. Còn muốn thay đổi tốt thì không có gì tốt hơn là sự giám sát của người dân. Câu chuyện này rung động chúng ta là bởi vì nó đặt lại một loạt vấn đề liên quan đến cơ chế và cả trách nhiệm. Tôi cho rằng nếu sắp tới xét xử đúng người đúng tội và giải oan cho ông Chấn thì chắc chắn đi cùng với đó là đền bù. Đền bù ở đây là công quỹ nhà nước chứ không phải người làm sai. Rõ ràng ở đây có cả bài toán kinh tế với các ngành đó. Theo tôi, phải làm sao cho mọi sự minh bạch trong quá trình xét xử và đồng thời có sự tham gia, hỗ trợ của tư pháp cho số đông phạm nhân mà nhiều người trong số đó không có điều kiện tự bảo vệ mình.

HÀ MY ghi

>> Thoát tội giết người sau 10 năm ngồi tù kêu oan

Tin cùng chuyên mục