Từ hôm nay 20-5, Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành, thay thế cho Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14-9-2007 của Chính phủ và Nghị định 67/2008/NĐ-CP ngày 29-5-2008 của Chính phủ. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ trước đây chỉ bị nhắc nhở thì nay sẽ bị xử phạt để tăng tính răn đe.
Qua đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt nặng. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Tăng cường phạt!
Thời gian qua, có không ít trường hợp dẫn đến tai nạn giao thông xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện giao thông phải né tránh người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, do chưa có quy định nên người đi bộ dẫu sai trong trường hợp này cũng không bị xử phạt. Nay, theo Nghị định 34, hành vi này bị phạt từ 60.000 đến 80.000 đồng.
Ngoài ra, nếu người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt từ 80.000 đến 120.000 đồng.
Chỉ số nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở làm căn cứ xử phạt cũng được quy định cụ thể hơn so với trước đây. Chẳng hạn, có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì người vi phạm bị phạt đến 3 triệu đồng tùy theo người đó đang điều khiển, đang ngồi trên xe gắn máy hay xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng.
Tương tự, mức phạt đối với người vi phạm sẽ là từ lên đến 6 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.
Cũng theo nghị định này, các mức phạt tại TPHCM và Hà Nội cao hơn mức phạt chung của cả nước từ 40 đến 200%. Cụ thể, người điều khiển ô tô ở hai TP này vượt đèn đỏ bị phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng (trước đây là 200.000 - 400.000 đồng); người tham gia giao thông bằng xe máy đội nón bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy định cũng bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Với xe khách chở vượt số người quy định sẽ phạt từ 200.000 đến 300.000 đồng trên mỗi hành khách chở dư. Riêng hành vi sang nhượng khách dọc đường nhưng không được hành khách đồng ý sẽ bị phạt tới 2 triệu đồng, gấp bốn lần so với mức phạt trước đây. Người đi bộ vi phạm (không đi đúng phần đường quy định...) cũng bị tăng mức tiền xử phạt 1,5 lần, từ 40.000 lên đến 60.000 đồng.
Với người chiếm dụng đường bộ để họp chợ, mua bán hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng, tăng gần 10 lần so với mức phạt 50.000 đồng trước đây. Khi dừng xe, mở cửa ô tô không bảo đảm an toàn và gây ra tai nạn trong nội thành, mức phạt sẽ từ 1,4 triệu đến 2 triệu đồng. Dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế ở nội thành sẽ bị phạt 800.000 đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày...
Với tài xế taxi, không sử dụng đồng hồ tính cước cho khách bị phạt 150.000 đồng, không có hộp đèn taxi, không có đồng hồ tính cước hoặc đồng hồ sai quy định, xe taxi không có màu sơn, biểu trưng, số điện thoại… bị phạt 2.500.000 đồng. Phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với taxi dừng, đón và trả khách không đúng nơi quy định.
Ra quân tổng lực
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an TPHCM) và Ban An toàn giao thông TPHCM, đến thời điểm này mọi công việc đã sẵn sàng cho việc thực hiện Nghị định 34. Công an TPHCM yêu cầu toàn bộ các Đội, Trạm trực thuộc và lực lượng CSGT quận, huyện kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn TP.
Đến 18 giờ ngày hôm qua (19-5), toàn bộ các tuyến đường trong phạm vi nội thành áp dụng quy định xử phạt tăng nặng gồm: Quốc lộ 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức) - Nguyễn Văn Linh - đường dẫn cầu Phú Mỹ - cầu Phú Mỹ - vành đai Đông - Nguyễn Thị Định - Xa lộ Hà Nội - nút giao thông Thủ Đức; tất cả các tuyến đường thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và một phần các quận 2, 7, 12, Bình Tân, Thủ Đức đều được treo băng rôn giới thiệu các điểm mới của nghị định này cho người tham gia lưu thông. Chiều tối qua, 19-5, Phòng Quản lý khai thác hạ tầng đô thị, Sở Giao thông vận tải cùng Phòng CSGT đường bộ và Ban An toàn giao thông TP kiểm tra lần cuối toàn bộ các biển báo phân định ranh giới nội, ngoại thành. Toàn bộ công tác duy tu, duy trì hạ tầng giao thông, bổ sung sơn kẻ, biển báo, biển chỉ dẫn giao thông trong phạm vi xử phạt đã hoàn tất. Các điểm tạm giữ phương tiện vi phạm cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cho biết, đến cuối ngày 19-5, Hà Nội đã cắm xong tổng cộng 49 biển phân định ranh giới nội - ngoại thành và biển chỉ dẫn giao thông. Ngoài ra, toàn bộ công tác duy tu, duy trì hạ tầng giao thông, bổ sung sơn kẻ, biển báo, biển chỉ dẫn giao thông trong 10 quận nội thành cũng đã được hoàn thành. Các điểm tạm giữ phương tiện vi phạm cũng đã được chuẩn bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nhiều lực lượng tham gia xử phạt Khi Nghị định 34/2010/NĐ-CP đi vào thực tế, thẩm quyền xử phạt cũng rộng hơn, một số lực lượng khác cũng tham gia xử phạt. Cụ thể, CSGT đường bộ xử phạt đối với tất cả hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ. Cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng Công an cấp xã xử phạt các hành vi: Người điều khiển xe ô tô đậu xe không đúng nơi quy định, bấm còi hoặc gây ồn ào; người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định về vận chuyển chất gây ô nhiễm môi trường, hàng nguy hiểm; cá nhân, tổ chức sản xuất, lắp ráp, bán trái phép biển số và phương tiện giao thông cơ giới đường bộ… Chủ tịch UBND các cấp, trưởng Công an các cấp (trừ trưởng Công an cấp xã) xử phạt tất cả các hành vi vi phạm trong phạm vi quản lý của địa phương mình. Thanh tra đường bộ xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; vi phạm quy định về đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe… |
Nhóm PV
- Thông tin liên quan:
- Nghị định số 34/2010/NĐ-CP: Phạt nặng hành vi vi phạm giao thông