Hơn 1.200 công dân Việt Nam đã được Campuchia giải cứu, bàn giao về nước

Chỉ sau hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc hàng chục lao động Việt Nam tháo chạy khỏi sòng bạc Rich World (huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal), đến nay các lực lượng chức năng của Campuchia đã truy quét, giải cứu và bàn giao hơn 1.200 lao động Việt Nam về nước.
Lực lượng chức năng 2 nước Campuchia – Việt Nam làm thủ tục bàn giao – tiếp nhận công dân. Ảnh: QUỐC BÌNH

Ngày 24-9, Đại úy Huỳnh Việt Kiều, Trạm trưởng Trạm cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) cho biết, đang tiếp tục xác minh nhân thân và các thông tin tư pháp của 226 công dân Việt Nam vừa được các lực lượng chức năng của Campuchia bàn giao.

Đây là những công dân được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp lực lượng chức năng tỉnh Preah Sihanouk giải cứu trong chiến dịch kiểm tra người nước ngoài và trấn áp tội phạm buôn bán người từ ngày 18 đến 22-9 ở 3 công ty nước ngoài tại Campuchia.

Theo thông tin ban đầu, số lao động được giải cứu đều là nạn nhân của hoạt động lừa gạt, lôi kéo sang Campuchia làm việc dưới chiêu bài “việc nhẹ lương cao” và bị cưỡng bức lao động trong các cơ sở, tổ chức lừa đảo do người nước ngoài làm chủ. Hầu hết số lao động đều có giấy tờ tùy thân (36 người có hộ chiếu) hoặc bản sao, hình ảnh giấy tờ tùy thân. Một số rất ít không có giấy tờ tùy thân do bị mất hoặc bị công ty trước đây thu giữ. Những công dân này đã được lực lượng chức năng nước bạn hoàn tất thủ tục xử lý theo pháp luật và bàn giao cho Bộ đội biên phòng tại cột mốc 313 Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Trung tá Nguyễn Hữu Việt, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết, đối với công dân xuất cảnh bằng hộ chiếu thì giải quyết cho nhập cảnh theo quy định; những công dân xuất cảnh trái phép sẽ cho làm bản tường trình, lấy lời khai để làm rõ các hành vi xuất cảnh trái phép như xuất cảnh ở khu vực nào, bằng đường nào, có bị lừa hay mua bán qua biên giới hay không. Liên quan đến công dân ở địa phương nào, lực lượng chức năng sẽ liên hệ với công an, chính quyền ở địa phương đó để xác minh nhân thân và sẽ xử lý vi phạm hành chính.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông tin, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia phối hợp với cơ quan chức năng của nước này rà soát, mở rộng điều tra, xác minh và giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới sang Campuchia làm việc bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với cơ quan trong nước như Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an và nhiều tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh, tiếp nhận công dân Việt Nam sau khi được giải cứu về nước.

Hỗ trợ bánh mì, nước uống cho 226 lao động Việt Nam vừa được phía Campuchia bàn giao về nước. Ảnh: QUỐC BÌNH

Tính đến nay, đã có tổng số hơn 1.200 lao động Việt Nam được giải cứu khỏi các cơ sở kinh doanh do người nước ngoài làm chủ trên lãnh thổ Campuchia. Hầu hết lao động Việt Nam đều bị lôi kéo dụ dỗ sang Campuchia làm việc với lời hứa “việc nhẹ, lương cao).

Trong khi trên thực tế ở Campuchia, lao động Việt phải làm việc xuyên suốt 14-16 giờ mỗi ngày. Phần lớn bị ép tham gia điều hành các trang web cờ bạc, lừa đảo trên Internet. Ai không đạt chỉ tiêu sẽ bị trừ lương, làm chậm bị trừ lương, đi vệ sinh lâu hơn 5 phút cũng bị trừ lương, do đó gần như không có lao động nào được trả tiền công. Muốn được về nước thì người nhà phải bỏ tiền ra chuộc với số tiền hàng ngàn USD. Các lao động cũng thường xuyên bị mua bán qua lại giữa các chủ doanh nghiệp như một “món hàng”.

Tin cùng chuyên mục