Tại Ngày An toàn thông tin (ATTT) 2012 do Chi hội an toàn thông tin phía Nam (VNISA) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16-11, nhiều chuyên gia an ninh mạng đều có chung một đánh giá: Tình hình ATTT trên thế giới và cả Việt Nam năm qua không có quá nhiều các sự kiện nổi cộm, nhưng các cuộc tấn công xâm nhập, các hành vi vụ lợi thông qua sử dụng công nghệ cao và mạng Internet vẫn xảy ra phổ biến. Theo khảo sát mới nhất của Microsoft thì năm 2012 có 2.500 website của Việt Nam tiếp tục là đích tấn công của hacker.
Ông Trịnh Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Chi hội ATTT phía Nam nhận xét, sự tĩnh lặng của thế giới bảo mật trong năm qua dễ làm cho người ta nhầm tưởng, thực ra đó là một sự tĩnh lặng đáng sợ. Nguy cơ của những biến cố về ATTT với tầm ảnh hưởng và thiệt hại ngày càng to hơn, thậm chí có thể làm người ta liên tưởng đến một cuộc chiến tranh mạng đang dần rõ nét hơn bao giờ hết, Việt Nam với sự đầu tư cho ATTT chưa nhiều sẽ có nguy cơ chịu không ít rủi ro. Đặc biệt, trong năm 2012 không chỉ các website của doanh nghiệp, Chính phủ, mà cả những website của các công ty bảo mật hàng đầu Việt Nam cũng bị tấn công tương tự. Trong năm nay, số lượng các máy tính bị nhiễm mã độc cũng không có dấu hiệu giảm (18,1/1000 máy tính), đây chính là các “trái bom” trong hệ thống thông tin chưa thể loại trừ được.
Theo ông Minh, để đảm bảo ATTT, không thể đợi đến khi sự việc xảy ra rồi mới tìm hướng xử lý, mà phải chuẩn bị hệ thống hết sức bài bản.
Để giải bài toán về ATTT tại Việt Nam, ông Ngô Việt Khôi - Giám đốc Kinh doanh của Trend Micro Việt Nam cho rằng, ngoài nâng cao ý thức cho doanh nghiệp, cần chuẩn bị một nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, từng bước nghiên cứu, phát triển các công cụ bảo vệ do chính Việt Nam làm chủ hoàn toàn. Các cơ quan, doanh nghiệp hãy nghĩ đến những giải pháp phòng vệ nhiều lớp và đầu tư cho công nghệ nội địa ưu việt.
Liên Phương (TTX)