(SGGP).- Chiều 31-5, Tập đoàn công nghệ Bkav đã công bố kết quả nghiên cứu về tình trạng an ninh của thiết bị router (thiết bị kết nối mạng Internet) trên toàn thế giới. Theo đó, hơn 5,6 triệu router trên khắp thế giới có lỗ hổng, riêng tại Việt Nam con số này là hơn 300.000, tương đương với hơn 300.000 hệ thống mạng đang trong tình trạng bỏ ngỏ. Bkav cũng cung cấp công cụ để người dùng Việt Nam có thể kiểm tra những lỗ hổng này.
Theo Bkav, từ năm 2014, nhiều lỗ hổng an ninh trên router được phát hiện và công bố rộng rãi. Trong số này có những lỗ hổng cho phép tin tặc dễ dàng chiếm quyền điều khiển hệ thống từ xa, được Bkav gọi chung là Pet Hole. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav, cho biết: “Chúng tôi dự đoán rất nhiều router của người dùng có thể chưa hề được vá lỗ hổng Pet Hole, bởi vì việc vá lỗ hổng trên các thiết bị mạng khó khăn hơn nhiều so với vá lỗ hổng trên phần mềm. Điều này thôi thúc Bkav thực hiện một nghiên cứu với hơn 21 triệu router có nguy cơ tồn tại lỗ hổng trên khắp thế giới để tìm câu trả lời, đồng thời đưa ra cảnh báo và hướng dẫn khắc phục”.
Nghiên cứu của Bkav chỉ ra hơn 5,6 triệu hệ thống mạng trên thế giới tồn tại lỗ hổng Pet Hole. Ấn Độ, Indonesia, Mexico “dẫn đầu” về số lượng router có lỗ hổng. Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia có số router bị lỗ hổng nhiều nhất. Hầu hết các quốc gia thuộc nhóm G8 không thuộc tốp 10 quốc gia có hệ thống tồn tại lỗ hổng nhiều nhất và hơn 90% các router có lỗ hổng được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của Bkav, các lỗ hổng này thậm chí nguy hiểm hơn Heartbleed - một trong những lỗ hổng bảo mật lớn nhất trong lịch sử Internet. Bởi vì, trong khi với Heartbleed phải là người có trình độ chuyên gia về an ninh mới có thể khai thác thành công, thì khai thác Pet Hole chỉ cần kỹ năng cơ bản. Hơn nữa việc vá lỗ hổng Pet Hole phức tạp hơn rất nhiều.
Cũng theo Bkav, chỉ với một vài hướng dẫn, thậm chí người sử dụng với ít kiến thức về an ninh mạng cũng có thể tấn công một router có lỗ hổng mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. “Router giống như cánh cửa kết nối người dùng đến Internet. Việc hơn 300.000 hệ thống mạng tại Việt Nam có lỗ hổng thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Nếu một quốc gia có mưu đồ gián điệp quốc gia khác, họ hoàn toàn có thể thực hiện việc này thông qua cửa ngõ router”, ông Ngô Tuấn Anh nhận định.
Hiện tại, công cụ kiểm tra lỗ hổng Pet Hole và hướng dẫn khắc phục được Bkav cung cấp tại địa chỉ PetHole.net.
TRẦN BÌNH