Hơn 40 năm rồi, vẫn không quên…

Cuối năm ngoái, sau khi đọc tập ký sự về đường 12A vừa được tái bản của tôi, từ Quảng Bình, nhà văn Nguyễn Thế Tường, từng là một lính xe tăng, gọi điện ngay cho tôi đề nghị: “Phải làm thế nào để truy tặng danh hiệu anh hùng cho Trần Đức Hè chứ, anh? Hay anh đề nghị ông Đồng Sĩ Nguyên can thiệp…”. Vậy Trần Đức Hè là ai mà một nhà văn, chỉ sau một chuyến đi làm phim và đọc một cuốn sách đường 12 anh hùng, đã nồng nhiệt và tha thiết đề nghị tôn vinh anh?

Cuối năm ngoái, sau khi đọc tập ký sự về đường 12A vừa được tái bản của tôi, từ Quảng Bình, nhà văn Nguyễn Thế Tường, từng là một lính xe tăng, gọi điện ngay cho tôi đề nghị: “Phải làm thế nào để truy tặng danh hiệu anh hùng cho Trần Đức Hè chứ, anh? Hay anh đề nghị ông Đồng Sĩ Nguyên can thiệp…”. Vậy Trần Đức Hè là ai mà một nhà văn, chỉ sau một chuyến đi làm phim và đọc một cuốn sách đường 12 anh hùng, đã nồng nhiệt và tha thiết đề nghị tôn vinh anh?

Trần Đức Hè là chiến sĩ trinh sát thuộc đại đội TNXP 759, đơn vị TNXP đầu tiên được tuyên dương anh hùng từ năm 1967, sau 2 năm bám trụ trên chặng đường hiểm yếu lên đèo Mụ Dạ (Đường 12A). Trong bài ghi chép “bổ sung” khi tái bản tập ký sự về đường 12A, tôi đã ghi lại cuộc đối thoại trên chuyến xe trở lại cung đường xưa để làm phim nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn. Xin trích một đoạn:

“…Chị Trần Thị Huế, nguyên là đại đội phó C.759, một “nhân chứng” cuộc chiến sinh tử trên “Đồi 37”, cùng đi trên xe, cũng lên tiếng:

- Theo em, người xứng đáng được phong anh hùng nhất C.759 phải là Trần Đức Hè.

Không phải đến hôm nay, cũng không chỉ sau chiến công phá bom nổ chậm bên bờ sông Gianh, tôi mới nghĩ như Trần Thị Huế. Từ trên đường 12A, do nhiệm vụ là một cán bộ kỹ thuật bảo đảm giao thông, tôi đã nhiều lần chứng kiến tinh thần quả cảm phi thường của Trần Đức Hè. Các chiến sĩ khác ra mặt đường thường có đồng đội bên cạnh và thường vào ban đêm, nhưng Trần Đức Hè, với trách nhiệm một chiến sĩ trinh sát, khói bom chưa tan, đã có mặt ngay hiện trường, dù là trong ánh nắng chang chang. Chỉ một mình Hè trên con đường trơ trụi không một bóng cây với mùi thuốc bom khét lẹt và tiếng gầm rít của phản lực Mỹ; và không chỉ một vài lần; hàng trăm lần như thế!...”.

Song, anh như không bận tâm đến chuyện khen thưởng và phong tặng, chỉ biết đi lên hàng đầu trong mọi thử thách gay go. Thật khó mà tính được chính xác anh đã lăn, đã phá được bao nhiêu quả bom nổ chậm. Cho đến ngày 12-2-1968, cũng trên đường Ba Trại bờ Nam sông Gianh, khi anh và Hồ Văn Niệm vào phá quả bom hóc hiểm nhất, không may, 2 quả bom bên cạnh bị kích hoạt nổ theo, cả hai chiến sĩ đều không còn nguyên thi thể!...

Hơn 40 năm đã qua từ ngày đó. Hai lần, anh đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương bậc cao. Nhưng hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Trần Đức Hè cứ bị gác lại. Có thể chỉ vì một lý lẽ đơn giản: Đại đội 759 đã được vinh danh nhiều rồi; tập thể 7 liệt sĩ hy sinh trên “Đồi 37” cũng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Còn bao nhiêu con đường, bao nhiêu chiến trường nữa đều có những chiến sĩ đã chiến đấu như một anh hùng, nhưng vì lẽ này lẽ khác, họ cũng chưa được phong tặng…

Gần đây, một đồng đội cũ của tôi cho biết Chủ tịch nước đã ký lệnh truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Trần Đức Hè, danh hiệu cao quý mà đồng đội của anh đã chờ đợi suốt hơn 40 năm qua. Và hôm nay, trong dịp trở lại Quảng Bình, anh Cao Ngọc Tành, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Bình, đưa cho tôi xem tấm bằng số 543, do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 27-4-2012. Mẹ anh, chỉ mấy năm sau khi Trần Đức Hè hy sinh, quá đau buồn, đã qua đời. Anh chỉ còn người chị ruột - chị Trần Thị Mai, bao năm lo hương khói cho người em trai duy nhất, nay đã già yếu, đời sống khó khăn, mỗi khi nhớ đến em lại băn khoăn chưa thể lo được nơi yên nghỉ của em được tử tế…

Tôi tin là sau lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Trần Đức Hè, nỗi băn khoăn của chị Mai và cũng là điều mong ước của đồng đội người anh hùng sẽ được thực hiện. Còn tôi, nhìn di ảnh của Hè, cứ muốn thốt lên: “Hè ơi! Bây giờ bạn đang ở đâu?”.

Nguyễn Khắc Phê

Tin cùng chuyên mục