Câu chuyện SEA Games
… “Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Câu ngạn ngữ của người Việt ta với ý nghĩa chỉ biết nói dựa và không chính xác nên có ngày sẽ mang họa. Hôm qua, ở ngày thi đấu trên đất Myanmar, hẳn lẽ nếu trọng tài quốc tế Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) có mặt thì nữ VĐV Saw Mar Lar Nwe (Myanmar) sẽ lĩnh đủ.
Nữ VĐV của nước chủ nhà đã chạm vạch đích đầu tiên, bỏ lại Nguyễn Thị Thanh Phúc của Việt Nam ở phía sau để giành HCV nội dung đi bộ nữ 20km. Thông số Saw Mar Lar Nwe đạt được là 1 giờ 35 phút 03 giây, vượt kỷ lục cũ của SEA Games 1 giờ 39 phút 25 giây. Một bất ngờ bởi đường đua ở Myanmar đã sản sinh ra 1 VĐV nữ đi bộ nằm trong top châu Á.
Thông số kỹ thuật trên của Saw Mar Lar Nwe, nếu góp mặt ở giải đi bộ vô địch châu Á 2013 đã có thể tranh chấp HCV. Những gì Saw Mar Lar Nwe đạt được trong sáng 15-12 phải khiến cả thế giới ngả mũ bái phục(?). Nếu “hòn đất” ở Myanmar biết “nói năng” thì những người làm thể thao tại đây sẽ phải mau chóng đưa giải vô địch châu Á về tổ chức. Nhờ vùng đất này mà đã sản sinh ra một đôi chân đi bộ đã đủ tầm tranh chấp châu lục chứ không phải khu vực.
Hai năm trước ở SEA Games 26, nữ VĐV Kay Khaing Myo Tun (đồng đội của Saw Mar Lar Nwe) cố gắng hết sức cũng chỉ có được HCB với thành tích 1 giờ 45 phút 19 giây. Xem ra, Saw Mar Lar Nwe đã có thành tích vượt trội(?).
Thanh Phúc của Việt Nam đạt 1 giờ 37 phút 08 giây, chỉ có chiếc HCB. Nhưng đó là chiếc HCB phản ánh đúng chuyên môn, thực lực đi bộ chứ không chạy và chỉ ra đúng thành tích chuyên môn của VĐV chúng ta. Nếu không đi bộ, mà tất cả cùng chạy thì chưa chắc Saw Mar Lar Nwe đã thắng được Thanh Phúc (trong lần dự giải chạy báo Hà nội mới năm ngoái, Phúc cũng góp mặt và nằm trong nhóm về đầu ở cự ly dài hơn 3km). Để giữ được thông số chuyên môn ổn định như vậy, Thanh Phúc ngoài tập luyện, được tập huấn nước ngoài còn dự các giải quốc tế, vô địch châu Á, Olympic... Thi đấu quốc tế, có cạnh tranh với đối thủ mạnh mới giữ được chỉ số kỹ thuật. Đáng nói, VĐV Myanmar chưa một lần có cơ hội được góp mặt những sân chơi trên.
o 0 o
Đi bộ mà như chạy, chạy mà như đi bộ… đúng là toàn những chuyện cười ra nước mắt. Đành rằng vì mục tiêu huy chương, sự đồng lòng từ các trọng tài sẽ gây khó khăn cho các VĐV (trong đó có Việt Nam) mà tạo lợi thế cho VĐV chủ nhà Myanmar. Một VĐV cán đích bằng thành tích phá sâu các thông số chuyên môn của SEA Games nói riêng và chạm thành tích châu Á nói chung - mà đây không phải đi bộ đúng kỹ thuật, đúng chuyên môn, thực lực - thì kết quả được công nhận không khỏi gây bức xúc. Cách đây 1 năm, để có được 1 tấm vé dự Olympic - Thế vận hội các môn thể thao của thế giới với sự uy tín gấp nhiều lần hơn hẳn SEA Games (Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á) - các VĐV phải bỏ công tập luyện và thi đấu rất cam go mới giành được.
Trong 61 gương mặt dự Olympic 2012, Việt Nam tự hào với Nguyễn Thị Thanh Phúc nằm trong danh sách. Cả châu Á chỉ có được 10 suất dự Olympic 2012 (đương nhiên, VĐV đi bộ nữ của của Myanmar chưa tiếp cận được chuyên môn để có suất, nhưng thông số trên của Saw Mar Lar Nwe vượt cả chuẩn B Olympic).
Nước mắt của VĐV Việt Nam lại rơi. Giọt nước mắt của Thanh Phúc pha lẫn cảm xúc buồn bực do bị xử ép. Nhưng điền kinh Việt Nam vẫn tự hào hơn vì chúng ta thi thật, đạt đúng thông số chuyên môn thật. Một tâm niệm HLV Đặng Anh Tuấn (bơi lội) đã phân tích rất hay khi người ta thấy ông rất khắt khe với cô học trò ruột Nguyễn Thị Ánh Viên với đại ý VĐV đã đạt tầm chuyên môn cao thì ra thi đấu không được kém chỉ số và đích nhắm không phải SEA Games, các giải đấu tầm cao châu lục, thế giới có hiệu quả hơn hiều.
Thanh Phúc cũng tương tự như vậy. Cô vẫn đạt chỉ số chuyên môn tốt ở SEA Games 27 (1 giờ 37 phút 08 giây) và Phúc chẳng có gì phải e ngại.
| |
MINH CHIẾN