Tâm lý ngại tiếp xúc
Theo nhận định của Bộ Công thương, một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của các sản phẩm đặc sản vùng miền, xuất phát từ sự thiếu liên kết mang tính hệ thống trong quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các địa phương, doanh nghiệp (DN) cũng chưa quan tâm nhiều đến khâu phát triển sản phẩm, thiếu liên kết khu vực để xây dựng hệ thống cung ứng, phân phối tại thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng thiết kế mẫu mã, bao bì; đầu tư quy trình công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường... Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của DN thấp. Việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Thậm chí một số sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương đang dần bị mai một.
Do sự hạn chế về vốn, quy mô sản xuất, kinh doanh, trình độ quản trị và nghiệp vụ xúc tiến thương mại của các cơ sở sản xuất nên nhiều đặc sản vùng miền chưa tiếp cận được phương thức và các kênh phân phối hiện đại để đến với thị trường trong nước và xuất khẩu. Muốn đẩy mạnh việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, đòi hỏi các địa phương, DN sản xuất đặc sản vùng miền cần tăng cường hơn nữa hoạt động liên kết, nhất là những tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ lớn.
Trên thực tế, yêu cầu thị trường hiện nay là đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ. Tuy nhiên, hiện rất ít sản phẩm đặc sản được đăng ký bảo hộ, xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu.
Ngoài những nguyên nhân trên, cũng còn nhiều yếu tố chủ quan của chính các nhà sản xuất do ngại tiếp xúc với các kênh phân phối hiện đại. Ông Trần Văn Tấn, chủ nông trại nấm Nghĩa Nhân (huyện Nhà Bè, TPHCM), cho biết hiện nông trại của ông có quy mô 150.000 phôi nấm. Vì là hộ cá thể nên lâu nay sản phẩm làm ra chỉ cung ứng cho các nhà hàng, cửa hàng và bạn hàng ở chợ đầu mối. Theo ông Trần Văn Tấn: “Trước đây, tôi rất ngại mỗi khi nghĩ đến siêu thị vì không biết phải đàm phán ra sao, qua những khâu nào... Nhưng qua cuộc tiếp xúc với hệ thống BigC do Sở Công thương TPHCM tổ chức vào tháng 12-2018 vừa qua, mọi chuyện đã khác. Từ huyện Nhà Bè, khi hái nấm xong ngay lập tức mang đến siêu thị ở nội đô TPHCM nên sản phẩm đảm bảo chất lượng ở mức tốt nhất. Nếu không có sự kết nối giữa Sở Công thương và BigC thì chúng tôi mãi mãi chỉ dừng ở sản xuất nhỏ lẻ. Chúng tôi hoàn toàn có thể cung cấp hàng cho siêu thị nếu được hợp tác”.
Cần tạo thêm không gian mua - bán
Ngay từ năm 2011, TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ, tạo cơ hội và không gian mua - bán cho DN. Tính đến nay, sau 5 năm triển khai đã có 1.513 hợp đồng, biên bản ghi nhớ cung ứng và bao tiêu sản phẩm giữa các DN được ký kết. Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành đã được đưa vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM.
Về giá trị hàng hóa, trung bình mỗi năm giao thương 2 chiều doanh thu đạt 22.132 tỷ đồng. Trong đó, các DN TPHCM đã tiêu thu hàng hóa trị giá gần 15.500 tỷ đồng của các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ và cung ứng ngược lại hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá trên 6.630 tỷ đồng. Qua kết nối cung - cầu hàng hóa, các DN TPHCM đã trở thành đầu mối tiêu thụ khoảng 80.000 tấn vải thiều/mùa, chiếm 65% sản lượng vải của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; đồng thời hỗ trợ tiêu thụ củ hành tím tỉnh Sóc Trăng; cà chua tỉnh Lâm Đồng…
Đặc biệt, tại hội nghị kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2018 diễn ra tại tỉnh Bến Tre đã thu hút 1.500 DN đến từ 35 tỉnh, thành tham gia, trưng bày và giới thiệu hàng hóa tại hơn 500 gian hàng, gồm khu trưng bày các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền, ngôi nhà địa phương và khu trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm uy tín của TPHCM và các tỉnh, thành. Kết thúc hội nghị đã có hơn 500 bản ghi nhớ, hợp đồng bao tiêu và cung cấp hàng hóa giữa các đơn vị sản xuất và nhà phân phối được ký kết. Đây chính là điều kiện tiên quyết để sản xuất phát triển bền vững.
Trong nhiều năm, các đơn vị như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Sài Gòn Co.op, Satra, Vissan, Ba Huân, San Hà, Vinh Phát, Tấn Vương... đã triển khai hàng chục dự án đầu tư sản xuất, liên kết với tổng số vốn khoảng 30.000 tỷ đồng; xây dựng hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất, trang trại, cụm trang trại nuôi trồng, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ. Liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trồng rau sạch lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các DN bán lẻ tại TPHCM như Saigon Co.op, Fahasa, BigC, Nguyễn Kim… còn đầu tư nhiều trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Theo các DN tại TPHCM, để thực hiện việc kết nối thành công, rất cần sự hợp lực từ các bên như DN sản xuất - DN phân phối - lãnh đạo các tỉnh, thành. Nếu các bên làm thật tốt từng phần việc của mình, chắc chắn khâu kết nối sẽ mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, DN sản xuất phải đảm bảo hàng hóa đạt các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm; DN phân phối phải hỗ trợ, hướng dẫn DN sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chí; Nhà nước hay lãnh đạo các địa phương phải hợp tác tốt trong vai trò “bà đỡ”, tạo sân chơi cho các DN giới thiệu sản phẩm và thực hiện kết nối…
Là một trong những đơn vị chuyên “dắt mối” cho DN, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM, cho hay thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu tổ chức định kỳ hàng năm thì hầu hết DN, HTX có sản phẩm tốt đều đã đưa được hàng vào siêu thị. Nhưng với các hộ nông dân, hộ cá thể còn rất khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại, mặc dù có sản phẩm tốt. Vì vậy, cách tốt nhất là cần tổ chức các lớp tập huấn, trực tiếp hướng dẫn các quy trình tiếp cận hệ thống phân phối, thông tin cụ thể về nhu cầu thị trường cho bà con nông dân (thay vì nông dân tự mày mò thị trường, sản xuất cái mình đang có và làm theo cách của mình), chỉ như vậy việc kết nối mới mang lại hiệu quả thiết thực. Và khi bà con nông dân sản xuất đã có hệ thống phân phối đứng sau, sẵn sàng hỗ trợ để đưa vào kinh doanh, sẽ tạo điều thuận lợi để họ tập trung sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng. Điều quan trọng qua những lần tiếp xúc, các bên cần cử ra người đại diện có trách nhiệm và đang phụ trách trực tiếp công việc liên quan thì mới mang lại hiệu quả.
Trên thực tế, việc đưa các sản phẩm đặc sản vào các hệ thống phân phối lớn, ngoài việc phải tuân thủ khắt khe các quy định thì DN sản xuất còn chịu những ràng buộc về tỷ lệ chiết khấu, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận hàng hóa và nhiều chi phí khác. Do vậy, phải tăng cường các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa nhà cung cấp và nhà phân phối để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc thì mới có thể thực hiện tốt hơn các hợp đồng, bản ghi nhớ đã ký kết. Bằng không, các hợp đồng này sẽ chỉ nằm trên giấy!
Theo kế hoạch, Sở Công thương TPHCM và sở công thương của 6 tỉnh, thành khác đang phối hợp cùng Tập đoàn Central Group Việt Nam mở các đợt khảo sát, tập huấn để lựa chọn các mặt hàng nông - lâm - thủy hải sản, hàng đặc sản ở các làng nghề đưa vào bán tại hệ thống siêu thị BigC. Đây là hoạt động tiếp nối của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhằm đưa nông sản địa phương tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại của Tập đoàn Central Group Việt Nam. |