
Kết quả khả quan nhất sau cuộc họp đầu tiên giữa các bộ: Tài nguyên -Môi trường, Xây dựng, Tư pháp theo chỉ đạo của Chính phủ hồi đầu tuần này là sẽ thiết kế lại mẫu giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất trên cơ sở hợp nhất 2 loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) hiện tại.
Cấp GCN: chỉ 1 cơ quan?

Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT) Trần Trung Chính cho biết mẫu giấy mới sẽ thừa kế cơ bản nội dung sổ hồng hiện nay và có tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất.
Nhưng theo ông Chính, do Luật Đất đai giao việc cấp sổ đỏ cho cơ quan TN-MT, còn Luật Nhà ở lại giao việc cấp sổ hồng cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng nên Chính phủ sẽ phải có nghị định để giao việc cấp giấy chứng nhận (sau khi hợp nhất) cho 1 cơ quan thực hiện thống nhất. Theo kiến nghị của Bộ TN-MT (cơ quan được Chính phủ giao nghiên cứu phương án hợp nhất), nơi cấp giấy nên là 1 trong 3 cơ quan: Tòa án (vì chịu trách nhiệm về tính pháp lý của bất động sản), Bộ Tư pháp (vì chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch bảo đảm), hoặc Bộ TN-MT (vì đăng ký đất đai là bắt buộc). Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa đồng ý với quan điểm hợp nhất này. Với lý do các nước láng giềng như Singapore, Trung Quốc đều tồn tại 2 loại giấy,
Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho rằng: “Thay vì gộp 2 giấy làm 1, chúng ta nên giải thích cho người dân về sự cần thiết của 2 loại giấy (sổ đỏ và sổ hồng - PV) chứ không nên thay đổi khiến cho người dân rối”.
1 giấy - giảm chi phí và phiền hà
Trên thực tế hiện nay đang tồn tại 4 loại GCN chủ yếu: GCN quyền sử dụng đất cấp theo Luật Đất đai 1993 (sổ đỏ cũ) cấp trước ngày 1-7-2004; GCN quyền sử dụng đất cấp theo Luật Đất đai 2003 (sổ đỏ mới) cấp từ 1-7-2004 trở về sau; GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị cấp theo Nghị định 60 (sổ hồng cũ); và GCN quyền sở hữu nhà ở theo luật nhà ở (sổ hồng mới).
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc, nhiều loại giấy như vậy đã tạo nên một hệ thống đăng ký không thống nhất, thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, với nhiều mẫu giấy khác nhau khiến cho người dân khó nhận thức được những việc mình phải làm và nên làm. Phó Vụ trưởng vụ Đăng ký - Thống kê (Bộ TN-MT) Đỗ Đức Đôi cho biết, để xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê đất đai của mỗi tỉnh cần khoảng 200 tỷ đồng. Nếu như tồn tại việc cấp 2 loại giấy tại 2 cơ quan khác nhau như hiện nay, sẽ gây ra sự tốn kém rất lớn, trong khi hiệu quả quản lý của Nhà nước trong thực tế không tăng lên, mà còn thêm rắc rối và phiền phức cho người dân.
Trên thực tế, để khắc phục nhược điểm của sự thiếu thống nhất trong hệ thống đăng ký kể trên, rất nhiều địa phương đã chọn giải pháp thay đổi tổ chức. Hầu hết các tỉnh, thành phố lớn đã giao nhiệm vụ quản lý nhà cho Sở TN-MT nên việc cấp GCN chủ quyền cho cả nhà và đất thực chất chỉ do một cơ quan thực hiện và quản lý. Mô hình này đã được chứng minh là thành công tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc cho rằng trước mắt Chính phủ cần quyết định sớm việc hợp nhất 2 loại giấy hoặc coi sổ hồng và sổ đỏ là tương đương vì 3 lý do: giảm chi phí; giảm thủ tục hành chính rườm rà và giảm tối đa sự chồng chéo giữa các cơ quan trong việc quản lý. Về lâu dài, để có giải pháp triệt để hơn, ông Ngọc kiến nghị phải sớm hoàn thành việc xây dựng và thông qua Luật Đăng ký bất động sản. Sẽ có một loại GCN thống nhất cho bất động sản được quy định trong luật này. “Nhưng nó cũng chỉ được cấp cho những trường hợp cần cấp mới hoặc có nhu cầu đổi giấy, không bắt buộc người dân đổi giấy đồng loạt” - ông Ngọc lưu ý.
Đình Duy