Ngày 28-12, lần đầu tiên tại TPHCM diễn ra chương trình kết nối hàng hóa các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất của các tỉnh với các hệ thống phân phối tại TPHCM. Chương trình do Sở Công thương TPHCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức. Đã có 41 thỏa thuận hợp tác, bao tiêu sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối được ký kết. Đây là hoạt động hết sức thiết thực nhằm hỗ trợ các DN tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản vùng, miền phục vụ cho dịp mua sắm cao điểm tết sắp đến.
Bao tiêu sản phẩm cho nhà nông
Tham gia chương trình, ngoài lãnh đạo 14 sở công thương và 100 DN sản xuất các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, còn có gần 100 DN chủ lực của TPHCM. Với 33 gian hàng giới thiệu sản phẩm (trong đó có 21 gian hàng của DN các tỉnh và 12 gian hàng của DN TP), thuộc các nhóm hàng nông sản, thực phẩm, bánh kẹo, rau củ quả, các DN và HTX các tỉnh mang đến chương trình rất nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo như bưởi hồ lô của HTX Bưởi hồ lô tỉnh Hậu Giang, quýt hồng Lai Vung, khóm Cầu Đúc, khóm Long Trị, xoài Cao Lãnh, dưa hấu vàng Cần Thơ, ổi Đồng Nai, tôm Cà Mau, các loại đặc sản khô như cá lóc, cá điêu hồng. Đặc biệt, sản phẩm làm đẹp tự nhiên từ tinh dầu dừa của HTX Cửu Long, tỉnh Bến Tre đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của phụ nữ do có nhiều vitamin E, callogen, khoáng chất và hoàn toàn không sử dụng hóa chất…
Về phía TPHCM, đại diện các nhà phân phối lớn Saigon Co.op, BigC, CitiMart cùng 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn cũng cung cấp thông tin cho các DN về hệ thống phân phối của mình, cũng như các tiêu chuẩn hàng hóa vào siêu thị.
Đã có 41 bản thỏa thuận hợp tác bao tiêu giữa nhà sản xuất và phân phối được ký kết. Điển hình như Saigon Co.op cùng một lúc đã ký với 5 DN và HTX trong việc bao tiêu hàng nông sản như khóm Cầu Đúc, xoài cát Cao Lãnh, dưa hấu vàng Cần Thơ; hệ thống CitiMart ký kết với Phạm Tôn về mặt hàng gia cầm; hệ thống BigC ký kết với Thaimex hải sản khô miền Tây, bưởi hồ lô; LotteMart bao tiêu ổi Đồng Nai.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, trước mắt đối với các loại trái cây đặc sản, sẽ bao tiêu nguyên vườn trái cây cho nông dân. Họ sẽ tự phân loại và định giá trên cơ sở không để người dân phải chịu thiệt thòi như hiện nay. Đối với các mặt hàng khác, Saigon Co.op sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo huyện để thống nhất về nguồn hàng, chất lượng, giá cả từ đó xây dựng nhãn hàng riêng cho Co.opMart.
Riêng thủy hải sản khô là những mặt hàng đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm cao, phải có xuất xứ hàng hóa nên trước mắt Saigon Co.op sẽ phải thực hiện nhiều động tác để giúp người dân có thể đưa vào siêu thị một cách sớm nhất. Về lâu dài, Saigon Co.op sẽ kết hợp với địa phương tiến hành tìm kiếm các mặt hàng đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu để tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Mô hình cần nhân rộng
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, mục đích của việc kết nối hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp DN ổn định phát triển sản xuất. Thông qua chương trình, các hệ thống phân phối của TP cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho DN, HTX.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng, lâu nay chúng ta đã thực hiện rất nhiều chương trình hợp tác, kết nối sản xuất và kinh doanh. Thế nhưng, hiệu quả các chương trình chỉ dừng trên giấy hoặc cam kết miệng. Với chương trình kết nối lần này, Sở Công thương TPHCM đã có nhiều sáng kiến thiết thực. Thời gian tới, sở công thương các tỉnh cần học hỏi cách làm từ TPHCM, tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Riêng với TPHCM, cần nghiên cứu tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình kết nối đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng Việt.
Thúy Hải