Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cho thấy, Việt Nam đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia, 750 các mặt hàng đặc sản khác nhau; đem lại thu nhập, việc làm cho hơn 10 triệu lao động. Tuy nhiên, việc liên kết để tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng đặc sản vẫn còn nhiều hạn chế.
Hàng thủ công mỹ nghệ của Nghệ An trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các địa phương được tổ chức tại TPHCM vào cuối năm 2016. Ảnh: Cao Thăng
Nhiều rào cản
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đặc sản vùng miền Việt Nam thông qua liên kết vùng” do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội cách đây chưa lâu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của các sản phẩm đặc sản vùng miền xuất phát từ sự thiếu liên kết mang tính hệ thống trong quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các địa phương, doanh nghiệp (DN) cũng chưa quan tâm nhiều đến thiết kế và phát triển sản phẩm; thiếu liên kết liên khu vực để xây dựng hệ thống cung ứng, phân phối tại thị trường trong nước và quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ. Tuy nhiên, hiện rất ít sản phẩm đặc sản đăng ký, bảo hộ, xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu. Bên cạnh đó, các DN sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng thiết kế mẫu mã, bao bì, quy trình công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường... Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của DN thấp; việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Thậm chí một số sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương đang dần mai một.
Do sự hạn chế về vốn, quy mô sản xuất, kinh doanh, trình độ quản trị và nghiệp vụ xúc tiến thương mại của các cơ sở sản xuất… nên nhiều đặc sản vùng miền chưa tiếp cận được phương thức và các kênh phân phối hiện đại để đến với thị trường trong nước và xuất khẩu. Muốn đẩy mạnh việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đòi hỏi các địa phương, DN sản xuất đặc sản vùng miền cần tăng cường hơn nữa hoạt động liên kết, nhất là những tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ lớn.
Kinh nghiệm từ TPHCM
Ngay từ năm 2011, TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ, tạo cơ hội và không gian mua - bán cho DN. Tính đến nay, sau 5 năm triển khai đã có 1.513 hợp đồng, biên bản ghi nhớ cung ứng và bao tiêu sản phẩm giữa các DN trong cả nước được ký kết. Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành đã được đưa vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn TPHCM.
Về giá trị hàng hóa, trung bình mỗi năm giao thương 2 chiều doanh thu đạt 22.132 tỷ đồng. Trong đó, các DN TPHCM đã tiêu thụ hàng hóa trị giá gần 15.500 tỷ đồng của các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá trên 6.630 tỷ đồng. Qua hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, các DN TPHCM đã trở thành đầu mối tiêu thụ khoảng 80.000 tấn vải thiều/mùa, chiếm 65% sản lượng vải của 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; đồng thời hỗ trợ tiêu thụ củ hành tím ở tỉnh Sóc Trăng, cà chua ở tỉnh Lâm Đồng…
Qua 5 năm triển khai, các đơn vị như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Saigon Co.op, Satra, Vissan, Ba Huân, San Hà, Vinh Phát, Tấn Vương... đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng.
Các đơn vị đã xây dựng 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng; 53 siêu thị, trung tâm thương mại, 55 cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng. Liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN bán lẻ tại TPHCM như Saigon Co.op, Fahasa, Big C, Nguyễn Kim… đã đầu tư 13 trung tâm thương mại, 269 siêu thị tổng hợp chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Theo các DN tại TPHCM, để thực hiện việc kết nối thành công, rất cần sự hợp lực từ các bên như DN sản xuất - DN phân phối - lãnh đạo các tỉnh thành. Nếu các bên làm thật tốt từng phần việc của mình, chắc chắn việc kết nối sẽ mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, DN sản xuất phải đảm bảo hàng hóa đạt các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm; DN phân phối phải hỗ trợ, hướng dẫn DN sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chí; Nhà nước hay lãnh đạo các địa phương phải hợp tác tốt trong vai trò “bà đỡ”, tạo sân chơi cho các DN giới thiệu hàng hóa và thực hiện kết nối…
Trên thực tế, việc đưa sản phẩm đặc sản vào các hệ thống phân phối lớn ngoài việc phải tuân thủ khắt khe các quy định, thì DN sản xuất còn chịu những ràng buộc về tỷ lệ chiết khấu, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận hàng hóa và nhiều chi phí khác… Do vậy, phải tăng cường các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa nhà cung cấp và phân phối để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc thì mới có thể thực hiện tốt hơn các hợp đồng, bản ghi nhớ đã ký kết. Bằng không, các hợp đồng này sẽ chỉ tồn tại trên giấy!
Kim Chung