Hợp tác công - tư, tạo điều kiện phát triển hàng Việt

Hợp tác công - tư, tạo điều kiện phát triển hàng Việt

Hợp tác công - tư để kết nối hàng Việt với các kênh phân phối là chủ trương mới do Bộ Công thương đề xuất, đã nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp (DN). Theo đó, “công” chính là bệ đỡ từ các cơ chế, chính sách ưu đãi, trong đó có cả phần “vốn mồi” và “tư” chính là sự vào cuộc của các DN, từ đó có thể tập trung phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp, tạo cơ hội cho hàng Việt phát triển.

DN đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Kết quả điều tra độc lập vừa được công bố tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công - tư để kết nối hàng Việt với các kênh phân phối”, do Bộ Công thương tổ chức ngày 11-8 tại TPHCM, cho thấy, có đến hơn 80% số DN được khảo sát nói rằng, mua hàng ngoại qua trung gian lại đang thuận lợi hơn nhiều so với mua hàng nội qua hệ thống trung gian. Đây là một lãng phí rất lớn đối với tiềm lực của các DN.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, những hạn chế về nhiều mặt, đặc biệt là logicstics của chúng ta đang ở mức thấp so với khu vực, đã và đang làm cho việc lưu thông hàng hóa của DN gặp nhiều khó khăn, đẩy chi phí lên rất cao so với mức bình quân của thế giới. Chi phí cao dẫn đến việc DN đang bị kìm hãm ở rất nhiều phương diện. Theo đó, chi phí cho logicstics ở Việt Nam đang ở mức tương đương 25% GDP, trong khi ở Nhật Bản là 11%, ở Thái Lan 19%, ở Hoa Kỳ chỉ đến 7,7%...

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại triển lãm, giới thiệu hàng Việt trong khuôn khổ hội thảo hợp tác công - tư và kết nối hàng Việt vào hệ thống phân phối (Ảnh: HẢI HÀ)

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, báo cáo tổng quan về thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm 2015 bán lẻ đạt tổng doanh số gần 1.920.000 tỷ đồng, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm hơn 32%, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 15%/năm. Cả nước hiện có 700 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và gần 1.000 cửa hàng tiện ích. Cũng trong năm 2015, bán lẻ hiện đại tiếp tục bùng nổ, nhiều DN mới xuất hiện hoặc mở rộng quy mô thông qua các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp). Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, với cơ cấu dân số trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 60%.

Về tương quan của khối nội và ngoại trên thị trường theo doanh thu năm 2015, nhà bán lẻ nước ngoài hiện chiếm lĩnh hơn 51% thị phần bán lẻ hiện đại trên cả nước. Riêng tại TPHCM, nơi tập trung khá nhiều siêu thị của các DN trong nước, thị phần bán lẻ nội khối chiếm khoảng 59% và 41% còn lại là của các DN nước ngoài. Với nguồn lực lớn mạnh, theo dự báo trong 5 năm tới, nếu các DN nội không cải tiến và liên kết, thị phần sẽ bị thu hẹp và mất dần vào tay các tập đoàn đa quốc gia. Nếu không có chính sách tốt thì đến năm 2020, DN FDI sẽ chiếm 68%.

Cùng quan điểm này, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thừa nhận, tỷ lệ DN nội địa gặp khó khăn trong phân phối hàng hóa so với hàng ngoại nhập đang tăng dần. Nguyên nhân chính là do đến nay hệ thống chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phân phối hàng hóa phát triển vẫn chưa thực sự đồng bộ và chưa có tính cải cách, tạo động lực cho DN. Thị trường bán lẻ vẫn chưa được xác định đúng vai trò trong các quy hoạch đô thị lớn. DN vẫn đang tự “bơi” để tạo dựng mặt bằng quảng bá sản phẩm, việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng rất vất vả. Còn với các nhà phân phối trong nước, do tiềm lực tài chính còn hạn hẹp nên việc mở rộng các điểm bán có quy mô lớn là chưa nhiều.

Các chính sách ưu đãi nên hướng vào phân phối

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều biện pháp khuyến khích các khu vực kinh tế và cộng đồng DN tham gia phát triển quan hệ hợp tác giữa nhà nước và tư nhân. Đây là biện pháp mới và hiệu quả, giúp giải quyết các vấn đề về huy động vốn, công nghệ và năng lực quản lý nhằm tăng hiệu suất và chất lượng dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu này, năm 2014, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020, với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 1.212 tỷ đồng. Trên thực tế, chương trình đối tác công - tư không chỉ đơn giản là cơ chế cấp kinh phí của nhà nước, điều quan trọng, thông qua cơ chế này có thể khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư, sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân.

Về phía Bộ Công thương, đã xây dựng Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, sẽ là cầu nối để khu vực kinh tế tư nhân cùng tham gia vào mảng phát triển mạng lưới phân phối. Với đề án này sẽ giúp các DN tiếp cận được với chính sách hỗ trợ để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng mạng lưới bán hàng, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Liên quan đến các chính sách cho hàng Việt phát triển bền vững trong tiến trình hội nhập, nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm nhiều giải pháp cho hàng Việt cũng như bảo vệ quyền lợi cho các thương hiệu Việt Nam. Nhanh chóng xây dựng cơ chế bảo hộ hàng trong nước, thông qua việc xây dựng hạn ngạch thuế đối với hàng nhập khẩu, xem xét và nghiên cứu các điều khoản để đảm bảo tính khả thi cho hàng hóa trong nước khi ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế bán hàng tại các kênh phân phối hiện đại dành riêng cho hàng nội, thể hiện qua các nội dung cụ thể. Nâng cao trách nhiệm của các kênh phân phối đối với hàng nội có chất lượng cao qua các chính sách ưu đãi, các chương trình hành động có mục tiêu xuyên suốt.

Rõ ràng, đã đến lúc cần sự tham gia sâu sát của các bộ, ngành liên quan trong việc kết nối cung - cầu hàng hóa. Theo đó, sự tham gia gắn kết giữa nhà nước và khu vực tư nhân không chỉ chia sẻ lợi ích chung, mà còn giảm bớt những rủi ro trong quá trình triển khai nhiệm vụ, giảm bớt áp lực chi ngân sách, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ. Nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán công - tư, phân vai rõ trách nhiệm cho các bên, chắc chắn chủ trương này sẽ đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng DN.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục