Hợp tác để tồn tại?

Trước sự phát triển nhanh của các đại gia mạnh về tài chính và các nhà bán lẻ nước ngoài qua nhiều hình thức đầu tư khác nhau, đặc biệt là mua bán - sáp nhập, các nhà bán lẻ trong nước ngày càng tỏ ra đuối sức, không thể tự thân cạnh tranh như trước mà đang tìm cách liên kết để tồn tại và phát triển.

Thế mạnh chủ yếu của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua là “lợi thế sân nhà” và sở hữu nhiều điểm bán. Tuy nhiên, khi các nhà bán lẻ ngoại đến, một số thế yếu của doanh nghiệp trong nước dần thể hiện ra. Các nhà bán lẻ nước ngoài đến Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, có hệ thống kho vận tốt, giàu kinh nghiệm trên thị trường bán lẻ thế giới, được đánh giá là vượt trội hơn các doanh nghiệp bán lẻ nội địa về mọi mặt, đồng thời lại có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ, uy tín thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam.

Một số nhà bán lẻ trong nước nhìn thấy khó chống cự với sự lớn mạnh của nhà bán lẻ nước ngoài, trong khi nhà bán lẻ ngoại thì cần mặt bằng để kinh doanh ngay. Do đó, họ đã bán cổ phần hoặc toàn bộ hệ thống kinh doanh cho doanh nghiệp ngoại. Hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart quen thuộc của người tiêu dùng hai miền Nam, Bắc giờ đây được gắn thêm thương hiệu bán lẻ Aeon của Nhật Bản. Hàng loạt điểm bán của hệ thống siêu thị điện máy Pico trước đây cũng đã được thay thế bằng siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc...

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, người sáng lập hệ thống siêu thị Citimart, trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các hệ thống bán lẻ nước ngoài, Citimart phải tìm cách hợp tác với doanh nghiệp khác, cùng ngành để tạo ra sự khác biệt và tính chuyên nghiệp. Bà Hoa cho biết hợp đồng hợp tác với Aeon cho phép Citimart được tiếp cận các bí quyết, kinh nghiệm cũng như công nghệ quản lý của Aeon. Ngoài ra, Citimart được song hành sử dụng thương hiệu Aeon.

Trong khi đó, chuỗi trung tâm điện máy lớn ở khu vực phía Bắc - siêu thị Trần Anh - vừa khai trương cửa hàng đầu tiên được đầu tư theo mô hình kinh doanh và dịch vụ của Nhật Bản, trong đó có gắn cả thương hiệu Nojima. Nguyên nhân là từ tháng 6 rồi, tập đoàn bán lẻ điện tử Nojima (Nhật) đã nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của hệ thống điện máy này lên 31%. Ngay cả một thương hiệu bán lẻ lớn trong nước như Nguyễn Kim cũng phải bán 49% cổ phần cho nhà bán lẻ điện máy Power Buy thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan vào đầu năm nay.

Một đại gia bán lẻ hàng đầu Việt Nam như Saigon Co.op cũng phải liên kết với NTUC FairPrice (Singapore) mở đại siêu thị Co.opXtra Plus tại quận Thủ Đức và quận 7. Nhắm tới đối tượng khách hàng cao cấp hơn, Saigon Co.op cũng đã hợp tác với Mapletree (Singapore) đưa vào hoạt động TTTM SC VivoCity trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) vài tháng gần đây.

Giới quan sát cho rằng nếu việc hợp tác không thuận lợi, chuyện các nhà bán lẻ nước ngoài “nuốt” luôn phần góp của doanh nghiệp trong nước là khó tránh khỏi. Sức ép của hội nhập và thực thi các FTA đang làm “nóng” thị trường bán lẻ Việt Nam, dù đến năm 2016, các cam kết FTA mới bắt đầu có hiệu lực.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục